Ai cũng dùng miễn phí nhưng Google Maps vẫn kiếm tiền như nước suốt 20 năm, bất ngờ với sự thật phía sau
Có bao giờ bạn tự hỏi, một ứng dụng với hàng tỷ người dùng mỗi ngày như Google Maps kiếm tiền như thế nào khi cho mọi người sử dụng miễn phí. Hóa ra, số tiền mà ứng dụng này kiếm được cũng cực kỳ khổng lồ.
- 24-04-2025Google Maps cho xem bản đồ miễn phí suốt 20 năm qua, vậy ứng dụng này kiếm tiền kiểu gì?
- 27-03-2025Google Maps vừa “tăng lực” với tính năng mới rất hữu ích
- 27-03-2025Google Maps bị lợi dụng để lừa đảo
Trong kỷ nguyên internet, Google đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của hàng tỷ người trên toàn cầu. Từ công cụ tìm kiếm quyền năng đến hệ điều hành Android phổ biến, "gã khổng lồ" công nghệ này dường như thống trị mọi ngóc ngách của thế giới Internet kể từ khi đặt những viên gạch đầu tiên vào năm 1998.
Điều đáng ngạc nhiên là rất nhiều dịch vụ cốt lõi của Google vẫn được cung cấp hoàn toàn miễn phí cho người dùng, và một trong những cái tên tiêu biểu nhất chính là Google Maps.

Google Maps luôn miễn phí sử dụng kể từ khi ra mắt
Đến nay, đã tròn hai thập kỷ kể từ khi ra mắt, Google Maps đã vươn lên trở thành một công cụ chỉ đường không thể thiếu, đồng thời là một nền tảng khám phá địa điểm mạnh mẽ, phục vụ hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu. Từ việc tìm kiếm con đường ngắn nhất đến một nhà hàng mới khai trương, hay đơn giản là khám phá một thành phố xa lạ, Google Maps dường như hiện diện trong mọi quyết định liên quan đến vị trí của chúng ta. Vậy câu hỏi đặt ra là: một ứng dụng hữu ích và phổ biến đến vậy, lại được cung cấp miễn phí trong suốt 20 năm qua, thực sự kiếm tiền bằng cách nào?
"Miễn phí" chỉ là bề nổi: Doanh thu của Google Maps thực sự là một "mỏ vàng"
Theo ước tính của Morgan Stanley, doanh thu của Google Maps đạt 11,1 tỷ USD vào năm 2023. Con số này thể hiện mức tăng trưởng đáng kể so với 3 tỷ USD vào năm 2019, với phần lớn doanh thu này có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, chiếm 16,5% vào năm 2022. Đồng thời, nó cũng thể hiện được doanh thu của ứng dụng bản đồ này dù ai cũng được dùng miễn phí vẫn là con số khổng lồ.
Tương tự như "con gà đẻ trứng vàng" là công cụ tìm kiếm trứ danh, Google không trực tiếp thu phí người dùng cuối khi họ sử dụng Google Maps. Thay vào đó, nguồn thu nhập khổng lồ của ứng dụng bản đồ này chảy về túi Google thông qua một hệ sinh thái phức tạp và tinh tế, bao gồm quảng cáo, các giải pháp bản đồ tùy chỉnh cho doanh nghiệp và dữ liệu vị trí giá trị.

Google Maps có hơn 10 tỷ lượt tải xuống trên Google Play Store vào năm 2023
Google từ lâu đã chứng minh được khả năng kiếm tiền "khủng" từ quảng cáo, và Google Maps cũng không nằm ngoài guồng quay lợi nhuận này. Ứng dụng bản đồ này là một phần không thể tách rời của hệ sinh thái quảng cáo rộng lớn của Google, cho phép các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng dựa trên vị trí địa lý của họ.
Hãy thử tưởng tượng bạn đang tìm kiếm một quán cà phê ở gần khu vực mình sinh sống trên Google.com. Kết quả hiển thị không chỉ là danh sách các quán cà phê mà còn có thể kèm theo một bản đồ chi tiết từ Google Maps, đánh dấu vị trí của chúng. Khi bạn mở ứng dụng Google Maps, bạn có thể thấy các biểu tượng nhỏ đánh dấu các địa điểm kinh doanh khác nhau, từ nhà hàng, khách sạn đến cửa hàng tiện lợi. Đôi khi, những biểu tượng này còn đi kèm với các nhãn "Được tài trợ" hoặc các quảng cáo nhỏ hiển thị ở đầu hoặc cuối danh sách kết quả tìm kiếm.
Đây chính là một trong những cách chính mà Google Maps tạo ra doanh thu: thông qua các quảng cáo dựa trên vị trí. Các doanh nghiệp có thể trả tiền để được hiển thị nổi bật hơn trên bản đồ khi người dùng tìm kiếm các địa điểm liên quan trong khu vực lân cận. Điều này đặc biệt hiệu quả đối với các doanh nghiệp địa phương muốn thu hút khách hàng trong phạm vi gần.
Một hình thức kiếm tiền khác, tinh tế hơn nhưng không kém phần hiệu quả của Google Maps, đến từ việc cho phép các doanh nghiệp tùy chỉnh hiển thị trên bản đồ. Bản đồ Google vốn đã rất chi tiết, hiển thị rõ ràng vị trí của các doanh nghiệp trên đường phố thông qua các biểu tượng chung như hình chiếc giường cho khách sạn hay hình dao dĩa cho nhà hàng.
Tuy nhiên, để tăng cường nhận diện thương hiệu và giúp khách hàng dễ dàng tìm thấy hơn, Google cung cấp tùy chọn cho phép các doanh nghiệp sử dụng logo công ty của riêng họ thay vì các biểu tượng mặc định. Ví dụ, thay vì biểu tượng "chiếc giường" thông thường, chuỗi khách sạn Hilton có thể hiển thị logo chữ "H" đặc trưng trên bản đồ. Tương tự, các chuỗi cà phê nổi tiếng như Starbucks có thể sử dụng logo "nàng tiên cá" màu xanh lá cây quen thuộc.

Logo các thương hiệu trên Google Maps cần phải trả phí
Những logo đầy màu sắc và dễ nhận diện này giúp người dùng, đặc biệt là khách du lịch, dễ dàng định vị và lựa chọn các thương hiệu mà họ tin tưởng hoặc quen thuộc. Với quy mô người dùng khổng lồ của Google Maps, việc hiển thị logo thương hiệu trên bản đồ mang lại giá trị quảng bá vô cùng lớn cho các doanh nghiệp. Theo thống kê, với 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu và 154 triệu người dùng tại Mỹ, Google Maps bỏ xa các đối thủ cạnh tranh, biến nó trở thành một nền tảng quảng cáo vô cùng hấp dẫn.
Google Maps bán "dữ liệu" cho hàng triệu ứng dụng
Nguồn thu nhập quan trọng thứ hai của Google Maps đến từ Google Maps API (Application Programming Interface). Đây là một bộ công cụ mạnh mẽ cho phép các công ty tích hợp các tính năng bản đồ, chỉ đường, tìm kiếm địa điểm và dữ liệu vị trí vào ứng dụng hoặc trang web của riêng họ.
Hãy nghĩ đến các ứng dụng gọi xe công nghệ như Uber hay Grab. Chúng hoàn toàn dựa vào bản đồ để hiển thị vị trí của tài xế, ước tính thời gian di chuyển và tìm đường đi tối ưu. Hay các ứng dụng mạng xã hội như Facebook... cũng sử dụng API bản đồ để cho phép người dùng chia sẻ vị trí của họ với bạn bè.

Tất cả những ứng dụng này và hàng triệu ứng dụng khác trên toàn thế giới đang sử dụng Google Maps API để cung cấp các dịch vụ liên quan đến vị trí cho người dùng của họ. Google không cung cấp API này miễn phí cho các doanh nghiệp sử dụng ở quy mô lớn. Thay vào đó, họ áp dụng các mức giá khác nhau tùy thuộc vào mức độ sử dụng, số lượng yêu cầu API và các tính năng nâng cao mà doanh nghiệp cần.
Theo ước tính của FourWeekMBA, doanh thu từ Google Maps API có thể lên tới khoảng 0,8 tỷ USD mỗi năm, một con số không hề nhỏ. Với hơn 5 triệu trang web và ứng dụng sử dụng API này hàng tuần, từ các công ty khởi nghiệp nhỏ đến các tập đoàn đa quốc gia, đây là một nguồn thu nhập ổn định và có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ cho Google.
Google cung cấp nhiều gói dịch vụ API khác nhau, từ các gói cơ bản cho đến các gói cao cấp với các tính năng nâng cao như hỗ trợ kỹ thuật 24/7, hình ảnh có độ phân giải cao, khả năng tìm kiếm và định tuyến nâng cao, cũng như các công cụ kiểm soát quảng cáo. Điều này cho phép các doanh nghiệp lựa chọn gói dịch vụ phù hợp với nhu cầu và quy mô hoạt động của mình.
Ngoài quảng cáo và API, Google Maps còn đóng vai trò là một nguồn cung cấp dữ liệu vị trí vô cùng giá trị cho các dịch vụ khác của Google. Thông tin về lưu lượng giao thông, địa điểm kinh doanh, giờ mở cửa, đánh giá của người dùng và vô số dữ liệu khác được thu thập thông qua Google Maps giúp Google cải thiện các sản phẩm và dịch vụ hiện có, đồng thời phát triển các ứng dụng mới.
Ví dụ, dữ liệu giao thông thời gian thực từ Google Maps được tích hợp vào Google Search để cung cấp thông tin hữu ích cho người dùng đang tìm kiếm đường đi. Thông tin về các địa điểm kinh doanh và đánh giá của khách hàng giúp cải thiện kết quả tìm kiếm địa phương. Dữ liệu vị trí ẩn danh cũng có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu quảng cáo hiệu quả hơn trên các nền tảng khác của Google.
Sau 20 năm phát triển, Google Maps không chỉ là một công cụ chỉ đường đơn thuần mà đã trở thành một nền tảng quảng cáo, một dịch vụ hạ tầng quan trọng và một nguồn dữ liệu vô giá. Sự "miễn phí" mà người dùng được hưởng thực chất là một phần trong chiến lược dài hạn của Google nhằm thu hút hàng tỷ người dùng, từ đó mở ra vô vàn cơ hội kiếm tiền khác một cách bền vững và hiệu quả.
Phụ nữ số
CÙNG CHUYÊN MỤC
