MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà mẹ Hải Dương khoe 2 con thông minh, 1 chi tiết khiến hội phụ huynh giật thột: Dụi mắt 3 lần xem có nhầm không!

29-04-2025 - 09:40 AM | Sống

Bạn có tin chia sẻ của bà mẹ này?

Mới đây, một bà mẹ ở Hải Dương chia sẻ câu chuyện gia đình gây chú ý.

Chị cho biết, con mình biết chữ lúc 20 tháng tuổi, hiện mới 5 tuổi đọc thông viết thạo hai thứ tiếng, làm toán đến hàng tỷ đồng. Đằng sau thành tích phi thường ấy là hành trình 10 năm: Chắt chiu từng đồng, dành trọn thời gian nghiên cứu phương pháp giáo dục sớm, với một niềm tin mãnh liệt vào tương lai con.

Người mẹ chia sẻ rằng nhờ kiên trì áp dụng các phương pháp giáo dục từ sớm, con trai chị đã đạt được những thành tích vượt xa bạn đồng trang lứa. Ở tuổi lên 5, cậu bé không chỉ đọc trôi chảy truyện song ngữ mà còn thực hiện các phép tính phức tạp khiến nhiều người lớn cũng phải kinh ngạc. Chị bày tỏ niềm hạnh phúc khi con được thầy cô yêu quý, bạn bè nể phục, và tin rằng nền tảng vượt trội này sẽ mở ra cho con cánh cửa thành công sau này.

Bà mẹ Hải Dương khoe 2 con thông minh, 1 chi tiết khiến hội phụ huynh giật thột: Dụi mắt 3 lần xem có nhầm không!- Ảnh 1.

Bài đăng của bà mẹ nhận bão tranh luận

Đi kèm với sự ngưỡng mộ là không ít hoài nghi. "20 tháng đã biết đọc, lại còn cộng hàng tỷ có nhớ, nghe mà dụi mắt đọc ba lần xem có nhầm không!" – một phụ huynh thẳng thắn. Theo các mốc phát triển thông thường, 20 tháng tuổi là thời điểm trẻ chỉ mới bập bẹ nói những từ đơn giản, việc đọc chữ thành thạo ở giai đoạn này là cực kỳ hiếm, nếu không muốn nói là kỳ lạ.

Bên cạnh những ý kiến hoài nghi, cũng có phụ huynh cho rằng việc trẻ 20 tháng tuổi biết đọc không phải là quá hiếm, nhất là khi được tiếp xúc sớm với ngôn ngữ trong môi trường phù hợp. Một số bé có khả năng đặc biệt trong việc ghi nhớ mặt chữ, nếu được hướng dẫn đúng cách, hoàn toàn có thể nhận diện chữ cái và đọc thành tiếng từ rất sớm. Tuy vậy, nhiều người cũng lưu ý rằng khả năng "đọc" ở độ tuổi này thường mới chỉ dừng ở mức ghi nhớ hình ảnh từ ngữ, chứ chưa chắc đã thực sự hiểu sâu nội dung như cách đọc của trẻ lớn.

Tranh luận

Không chỉ dừng lại ở tranh luận về khả năng đọc và tính toán, câu chuyện còn khơi lên một chủ đề nhạy cảm hơn: Giáo dục song ngữ từ sớm. Nhiều cha mẹ bày tỏ sự ngưỡng mộ và xin bí quyết dạy con giỏi ngoại ngữ. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phản đối thẳng thắn:

"Con mình 6 tuổi giờ đọc còn chưa sõi, mà không sao cả. Mình không đặt nặng chuyện học vấn quá sớm. Hãy để trẻ sống đúng với lứa tuổi của mình mới là hạnh phúc".

Một phụ huynh khác cũng chia sẻ: "Thấy nhiều mẹ hỏi xin phương pháp học song ngữ quá, nhưng mình nghĩ mọi người nên cân nhắc theo tư duy và khả năng của mỗi bé. Nếu các bé chưa thành thạo tiếng Việt, chưa diễn đạt câu cú trọn vẹn mà đã học thêm tiếng Anh thì chưa chắc đã là cách làm tốt đâu ạ".

Anh M. (TP.HCM), một người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, nhận định khả năng tính toán hàng tỷ ở độ tuổi này có thể chỉ là kết quả của việc ghi nhớ máy móc, chưa chắc đã phản ánh tư duy Toán học thực sự. Điều cần quan tâm hơn là khả năng suy luận logic chứ không phải thuộc lòng con số.

Khi một phụ huynh bày tỏ sự xót xa: "Có ai như mình, thấy tội bé không", bà mẹ trong câu chuyện đã nhanh chóng phản hồi: "Không chị ơi, chả có gì mà tội. Những đứa bé giỏi sớm vậy đi học được thầy cô yêu quý, bạn bè nể nang lắm, nhà trường cũng tạo điều kiện hơn nhiều. Đấy là may mắn á".

Một người đồng tình cũng lên tiếng chia sẻ kinh nghiệm thực tế: "Bé nhà mình 5 tuổi cũng song ngữ, nhưng hành trình đồng hành cùng con mình thấy bé rất vui đó ạ. Con xem và hiểu các chương trình nước ngoài con thích, nói chuyện được với bạn bè người nước ngoài, thậm chí còn gửi thư. Bé nhà mình không giỏi tính toán, nhưng riêng khoản song ngữ mình thấy là lựa chọn đúng đắn. Mẹ thì vất vả một chút vì vốn tiếng Anh không tốt, nên phải học hỏi cùng con."

Những chia sẻ trái chiều cho thấy: Không có một công thức chung cho hành trình nuôi dạy trẻ. Thành công hay thất bại đều cần được nhìn nhận trong bối cảnh cá nhân, chứ không thể lấy một khuôn mẫu áp đặt lên tất cả.

Giáo dục sớm - cơ hội hay áp lực?

Câu chuyện này làm lộ rõ hai trường phái đối lập trong cách nuôi dạy trẻ. Một bên tin rằng giáo dục sớm, đầu tư bài bản sẽ giúp trẻ có bước khởi đầu vượt trội. Một bên lại cảnh báo rằng ép trẻ thành "thần đồng" quá sớm có thể đánh cắp tuổi thơ, ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý và xã hội lâu dài.

Bà mẹ Hải Dương khoe 2 con thông minh, 1 chi tiết khiến hội phụ huynh giật thột: Dụi mắt 3 lần xem có nhầm không!- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên: Phụ huynh nên tránh so sánh bởi mỗi trẻ có lộ trình phát triển riêng, thành tích sớm không đảm bảo thành công lâu dài. Thay vì chạy đua thành tích, hãy chú trọng cân bằng phát triển cả bốn yếu tố: Trí tuệ, cảm xúc, thể chất và kỹ năng xã hội.

Bên cạnh việc học, những trải nghiệm đời thực như khám phá thiên nhiên, giao tiếp hằng ngày cũng mang giá trị giáo dục rất lớn, giúp trẻ trưởng thành tự nhiên và bền vững. Riêng với việc học song ngữ, cần có lộ trình phù hợp, không nên vội vã nhồi nhét khi trẻ còn chưa vững tiếng mẹ đẻ, để tránh gây áp lực và cản trở sự phát triển ngôn ngữ nền tảng.

Câu chuyện của phụ huynh nói trên phản ánh một xu hướng giáo dục sớm đang ngày càng phổ biến. Nhưng như nhà giáo dục Maria Montessori từng nhấn mạnh: "Mục tiêu lớn nhất của thời thơ ấu không phải là tích lũy kiến thức, mà là nuôi dưỡng tình yêu học tập suốt đời".

Thay vì chạy theo thành tích sớm, hãy để trẻ được sống trọn vẹn tuổi thơ, tự do khám phá và phát triển theo nhịp điệu riêng – đó mới là món quà lớn nhất mà cha mẹ có thể trao cho con.

Theo Hiểu Đan

Thanh niên Việt

Trở lên trên