MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chiến Đại học Harvard - Chính quyền Tổng thống Trump: Ai sẽ thắng?

20-04-2025 - 21:04 PM | Tài chính quốc tế

Cuộc chiến với trường đại học lâu đời nhất, giàu có nhất và ưu tú nhất của quốc gia là điều mà Tổng thống Trump và trợ lý Stephen Miller đang chờ đợi.

Đại học Harvard có tuổi đời lớn hơn nước Mỹ 140 năm, có quỹ tài trợ lớn hơn GDP của gần 100 quốc gia và đã đào tạo ra 8 vị tổng thống Mỹ. Vì vậy, nếu nói đến tổ chức có thể đứng lên chống lại cuộc chiến của chính quyền Trump đối với giới học thuật, Harvard sẽ đứng đầu danh sách.

Đầu tuần này, Harvard kiên quyết từ chối các yêu cầu của chính quyền Trump liên quan đến tuyển dụng, tuyển sinh và chương trình giảng dạy, tạo động lực cho các trường đại học khác đang lo ngại áp lực từ Nhà Trắng. Một số nhà bình luận cho rằng động thái của Harvard có thể tiếp thêm sức mạnh cho các tổ chức khác như tòa án, công ty luật hay truyền thông trong việc phản kháng.

J. Michael Luttig, cựu thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang, nhận định: “Đây sẽ là bước ngoặt trong cuộc tấn công của tổng thống nhằm vào các thể chế Mỹ".

Chỉ vài giờ sau tuyên bố của Harvard, các quan chức liên bang tuyên bố sẽ đóng băng 2,2 tỷ USD tiền tài trợ nhiều năm dành cho trường và hợp đồng trị giá 60 triệu USD. Đây chỉ là một phần trong tổng số 9 tỷ USD tài trợ liên bang mà Harvard nhận được. Trong đó, 7 tỷ USD dành cho 11 bệnh viện trực thuộc tại Boston và Cambridge như Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Bệnh viện Nhi Boston và Viện Ung thư Dana-Farber; 2 tỷ USD còn lại dành cho các khoản nghiên cứu, bao gồm lĩnh vực không gian, tiểu đường, ung thư, Alzheimer và lao.

Hiện chưa rõ cụ thể chương trình nào sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh đóng băng này.

Cuộc chiến Đại học Harvard - Chính quyền Tổng thống Trump: Ai sẽ thắng?- Ảnh 1.

Đại học Harvard.

"Thức tỉnh"

Harvard, trường đại học giàu có nhất và lâu đời nhất của nước Mỹ, là mục tiêu nổi bật nhất trong chiến dịch của chính quyền nhằm xóa bỏ hệ tư tưởng "thức tỉnh" (woke) khỏi các trường đại học. Các yêu cầu của chính quyền bao gồm việc trường chia sẻ dữ liệu tuyển dụng với chính phủ và đưa bên thứ ba vào để đảm bảo rằng mỗi khoa học thuật đều "có quan điểm đa dạng".

Tháng trước, Đại học Columbia, nơi phải đối mặt với khoản đóng băng 400 triệu USD tiền tài trợ của liên bang, đồng ý nhượng bộ theo yêu cầu của chính phủ, thành lập cơ quan giám sát mới cho khoa Nghiên cứu Trung Đông, Nam Á và Châu Phi.

Trong một lá thư, Chủ tịch Harvard, Alan M. Garber, từ chối từ chức. Ông viết: "Harvard hay bất kỳ trường đại học tư thục nào khác đều không thể để chính quyền liên bang tiếp quản".

Thuật ngữ “woke” có ý nghĩa khác nhau tùy vào người sử dụng. Với nhiều người bảo thủ, từ này được dùng mang tính miệt thị để chỉ các giá trị tiến bộ liên quan đến công lý xã hội. Tuy nhiên, “woke” có nguồn gốc tích cực trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi, ban đầu dùng để chỉ sự cảnh giác trước bất công và phân biệt chủng tộc.

Theo Từ điển Merriam-Webster, “woke” xuất hiện từ những năm 1930 trong bài hát “Scottsboro Boys” của Lead Belly, kêu gọi người da màu “stay woke” trước nguy cơ bạo lực phân biệt chủng tộc. Thuật ngữ này trở nên phổ biến trong phong trào Black Lives Matter năm 2014, đặc biệt sau cái chết của Michael Brown.

Kể từ đó, một số chính trị gia Cộng hòa như Ron DeSantis, Vivek Ramaswamy và cả ông Donald Trump đã biến “woke” thành biểu tượng của điều họ xem là chủ nghĩa cấp tiến quá đà. DeSantis định nghĩa “woke” là niềm tin vào sự tồn tại của bất công có hệ thống trong xã hội Mỹ và đã đưa ra nhiều chính sách chống lại tư tưởng này, bao gồm luật cấm giảng dạy các nội dung về chủng tộc và giới trong trường học công lập.

Cuộc chiến Đại học Harvard - Chính quyền Tổng thống Trump: Ai sẽ thắng?- Ảnh 2.

Đại học Columbia biểu tình.

Cuộc chiến biểu tượng

Cuộc chiến của chính quyền với Harvard, nơi có khoản tài trợ 53,2 tỷ USD vào năm 2024, là cuộc chiến mà Tổng thống Trump và Stephen Miller, trợ lý quyền lực của Nhà Trắng, muốn có. Trong nỗ lực của chính quyền nhằm phá vỡ những gì mà họ coi là sự kìm kẹp của chủ nghĩa tự do đối với giáo dục đại học, Harvard là một ván đấu lớn.

Cuộc chiến pháp lý với trường sẽ tạo cơ hội cho chính quyền Trump đẩy mạnh lập luận rằng phe cấp tiến gắn liền với chủ nghĩa bài Do Thái, chủ nghĩa tinh hoa và sự đàn áp tự do ngôn luận.

Steven Pinker, nhà tâm lý học nổi tiếng của Harvard, đồng thời là Chủ tịch của Hội đồng Tự do Học thuật tại Harvard, cho biết việc chính phủ áp đặt sự đa dạng quan điểm lên trường đại học là rất mâu thuẫn: "Liệu chính phủ này có buộc khoa kinh tế phải thuê những người theo chủ nghĩa Marx hay khoa tâm lý học phải thuê những người theo trường phái Jung (tâm lý học phân tích), trường y phải thuê những người theo phương pháp vi lượng đồng căn hoặc người chữa bệnh bằng phương pháp y học bản địa không?” .

Harvard không đứng ngoài làn sóng tranh cãi sau vụ tấn công do Hamas tiến hành ở Israel ngày 7/10/2023. Trong thư gửi cộng đồng, Chủ tịch Alan Garber cho biết nhà trường đã có các biện pháp đối phó với chủ nghĩa bài Do Thái, đồng thời cam kết ủng hộ đa dạng quan điểm và bảo vệ tự do ngôn luận.

Những cam kết này cũng được nêu trong thư gửi chính quyền liên bang của hai luật sư đại diện Harvard là William A. Burck và Robert K. Hur.

Burck từng là cố vấn đạo đức bên ngoài cho Tổ chức Trump, hiện làm việc tại hãng luật Paul, Weiss. Còn Hur, cựu quan chức Bộ Tư pháp dưới thời Trump, là người điều tra vụ tài liệu mật của Tổng thống Biden và gây tranh cãi khi gọi ông là “một người đàn ông lớn tuổi có trí nhớ kém”. Cả hai đều am hiểu hệ thống pháp lý dưới chính quyền Trump - một lợi thế quan trọng cho Harvard.

Ông Burck và ông Hur viết trong bức thư gửi đến các cố vấn pháp lý của Bộ Giáo dục, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và một ủy viên trong Tổng cục Dịch vụ: “ Harvard vẫn cởi mở đối thoại về những gì trường đã làm và đang có kế hoạch cải thiện trải nghiệm mọi thành viên trong cộng đồng. Nhưng Harvard không sẵn sàng đồng ý với những yêu cầu vượt quá thẩm quyền hợp pháp của chính quyền này hoặc bất kỳ chính quyền nào”.

Trong khi đó, Elise Stefanik, người từng tốt nghiệp Harvard, đảng viên Cộng hòa New York từng tổ chức các phiên điều trần năm ngoái để điều tra tình trạng bài Do Thái tại các trường đại học, bao gồm cả Harvard, tỏ ra chán nản. “Đại học Harvard xứng đáng được coi là hiện thân của sự suy thoái về đạo đức và học thuật trong giáo dục đại học. Đã đến lúc cắt hoàn toàn nguồn tài trợ của người nộp thuế Mỹ cho tổ chức này, tổ chức đã không thực hiện đúng phương châm sáng lập của mình là Veritas (vì sự thật)".

Theo Phương Anh/VTC News

VTC News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên