ĐHCĐ Eximbank: 'Ngân hàng dự kiến có thay đổi lớn trong thời gian tới và sẽ được thể hiện qua giá cổ phiếu, vốn hóa thị trường'
Đây là chia sẻ của Quyền Tổng Giám đốc Eximbank Nguyễn Hoàng Hải tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.
- 27-04-2025ĐHCĐ LPBank: Kế hoạch lợi nhuận 14.868 tỷ đồng trong năm nay, chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 25%
- 26-04-2025ĐHCĐ Techcombank: Dự kiến IPO TCBS trong năm 2025, mục tiêu lợi nhuận 31.500 tỷ, chia cổ tức tiền mặt 10%
- 21-04-2025ĐHCĐ MSB 2025: Kế hoạch lợi nhuận 8.000 tỷ, chia cổ tức 20%, mua lại công ty chứng khoán có vốn điều lệ khoảng 300 - 500 tỷ đồng
Sáng nay (29/4), Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 tại khách sạn Melia, Hà Nội.
Tại Đại hội, cổ đông Eximbank sẽ xem xét và thông qua các báo cáo về kết quả năm 2024, kế hoạch kinh doanh 2025, bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2025-2030 và một số nội dung khác.
Theo báo cáo của Uỷ ban thẩm tra tư cách cổ đông Eximbank, tính đến 8h25 có 234 cổ đông tham dự đại hội, đại diện cho 55,08% cổ phần có quyền biểu quyết. Với tỷ lệ cổ đông tham dự vượt mức tối thiểu 50%, ĐHĐCĐ thường niên 2025 Eximbank đủ điều kiện tiến hành họp.

Toàn cảnh Đại hội cổ đông thường niên Eximbank 2025. (Ảnh: Quang Hưng)
Kế hoạch lợi nhuận gần 5.200 tỷ đồng
Tại đại hội, HĐQT Eximbank sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.188 tỷ đồng, tăng 23,8% (tăng 1.000 tỷ đồng) so với thực hiện năm 2024.
Tổng tài sản đạt 265.500 tỷ đồng, tăng 10,7%. Huy động vốn (bao gồm huy động vốn từ tổ chức kinh tế dân cư và phát hành giấy tờ có giá) đạt 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5%; dư nợ tín dụng đạt 195.500 tỷ đồng, tăng 16,2%. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng giảm 0,54 điểm % so với cuối năm 2024 xuống còn 1,99%.

Đề xuất không chia cổ tức năm 2024
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, Eximbank ghi nhận lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ trên báo cáo tài chính hợp nhất là 2.431 tỷ đồng. Lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối đến năm 2024 là 2.526 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Eximbank đề xuất không thực hiện chia cổ tức năm 2024 nhằm mục đích củng cố năng lực tài chính.
Khoá room ngoại ở mức 6%
Tại Đại hội, HĐQT dự kiến trình đại hội xem xét và thông qua quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại Eximbank không vượt quá 6% vốn điều lệ Eximbank.
Theo Ban lãnh đạo ngân hàng, việc này là nhằm ổn định cơ cấu cổ đông, phù hợp với định hướng phát triển dài hạn của Eximbank, đồng thời để giữ và duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vào ngân hàng.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung thêm Khoản 6, Điều 20 Điều lệ với nội dung: "6. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại Eximbank không vượt quá 06% (sáu phần trăm) vốn điều lệ của Eximbank từng thời kỳ".
Giao thẩm quyền cho Chủ tịch HĐQT ký, ban hành Điều lệ hợp nhất nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ nêu trên sau khi được ĐHĐCĐ thông qua.
Lãnh đạo GELEX được đề cử vào HĐQT Eximbank
Một trong những nội dung quan trọng là bầu HĐQT & BKS nhiệm kỳ mới (2025-2030).
Theo đề xuất của Ban lãnh đạo Eximbank, cơ cấu HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030 có 5 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập. Số lượng Thành viên Ban kiểm soát của Eximbank nhiệm kỳ VIII (2025- 2030) là 5 thành viên.
Danh sách ứng viên HĐQT hợp lệ được Eximbank công bố gồm 5 người. Trong đó có ông Nguyễn Cảnh Anh, hiện là Chủ tịch HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ 2020-2025 và bà Đỗ Hà Phương - Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.
Ba ứng viên mới được đề cử trong danh sách này là ông Phạm Tuấn Anh, ông Hoàng Thế Hưng và bà Phạm Thị Huyền Trang.
Ông Phạm Tuấn Anh sinh năm 1976, là cử nhân Kinh tế chuyên ngành Kế toán và đã có 26 năm làm việc tại hệ thống GELEX.
Ông từng là Kế toán trưởng Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (nay là CTCP Tập đoàn GELEX), từng đảm nhiệm thành viên HĐQT và giữ chức Chủ tịch HĐQT tại nhiều công ty thành viên trong hệ thống GELEX.
Hiện nay, ông Phạm Tuấn Anh là Phó Tổng giám đốc CTCP Điện lực GELEX (GELEX Electric), Tổng giám đốc CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM). Được biết, ông Phạm Tuấn Anh sẽ từ nhiệm tất cả các vị trí trong hệ thống GELEX trước thời điểm đại hội Eximbank tiến hành bầu thành viên HĐQT nhằm đảm bảo đúng yêu cầu không cùng đảm nhận các chức vụ theo quy định của luật Các tổ chức tín dụng 2024.
GELEX hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu 174,6 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Hai ứng viên HĐQT độc lập còn lại là ông Hoàng Thế Hưng (sinh năm 1981) và bà Phạm Thị Huyền Trang (sinh năm 1982).
Ông Hoàng Thế Hưng là Kỹ sư Công nghệ thông tin với hơn 20 kinh nghiệm trong lĩnh vực Công nghệ thông tin & Giải pháp số. Ông Hưng từng là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính CP Điện lực. Hiện, ông Hưng là thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Nhất Việt.
Bà Phạm Thị Huyền Trang sinh năm 1982, có trình độ Thạc sĩ Tài chính ngân hàng, Cao cấp lý luận chính trị. Bà từng có 12 năm công tác tại VietinBank và giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Ngân hàng này như Phó Giám đốc Chi nhánh TP.Hà Nội, Trưởng phòng Phê duyệt tín dụng, Phó Giám đốc khối Phê duyệt tín dụng…; Bà Trang cũng từng công tác tại Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Đèo Cả…
Bên cạnh danh sách ứng viên HĐQT hợp lệ, Eximbank cũng công bố danh sách ứng viên BKS được NHNN chấp thuận với 5 thành viên gồm: bà Doãn Hồ Lan, ông Lâm Nguyễn Thiện Nhơn, ông Nguyễn Trí Trung, bà Trần Thị Minh Lý và ông Hoàng Tâm Châu.
Ngoài các nội dung trên, Đại hội đồng cổ đông thường niên Eximbank năm 2025 cũng sẽ xem xét thông qua một số tờ trình khác như: bổ sung Điều lệ Eximbank; thông qua tờ trình của HĐQT về việc chấm dứt chủ trương đầu tư xây dựng Trụ sở chính của Eximbank tại số 07 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP. HCM;...
Phần trả lời câu hỏi cổ đông
Cổ đông: Hiện tại, cơ cấu nhân sự và quản trị điều hành của ngân hàng chưa thực sự ổn định, còn nhiều biến động. Vậy trong thời gian tới, ngân hàng có dự kiến thay đổi lớn nào nữa không?
Quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải: Việc cơ cấu quản trị điều hành phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh của ngân hàng, bối cảnh thị trường, cũng như ý chí và mong muốn của tất cả quý vị cổ đông. Chúng tôi mong muốn bước sang nhiệm kỳ VIII với những bước đi vững chắc, đồng thời xuất hiện những đơn vị đồng hành, những cổ đông lớn có tiềm lực, Eximbank sẽ hướng đến một ngân hàng vững mạnh, phát triển bền vững vì mục tiêu lâu dài, loại bỏ tâm lý "ăn xổi ở thì". Khi đó, chúng ta sẽ có một cơ cấu quản trị điều hành vững bền.
Khi đã vận hành ổn định, chúng ta có thể phát triển một cách dài hạn, tránh những thay đổi thường xuyên do thị trường hoặc các yếu tố nội bộ của chúng ta gây khó khăn. Những khó khăn nếu do chúng ta tự gây ra, chúng ta sẽ cố gắng hạn chế đến mức tối đa.
Về việc có thay đổi lớn nào nữa không, tôi nghĩ chắc chắn sẽ có một thay đổi rất lớn đối với Eximbank. Trong nhiệm kỳ sắp tới, bộ mặt của Eximbank sẽ thay đổi, hình ảnh của Eximbank sẽ thay đổi, và vị thế của Eximbank trên thị trường cũng sẽ thay đổi. Điều này sẽ thể hiện qua mức độ vốn hóa trên thị trường và giá cổ phiếu.
Cổ đông: Tại sao mới bầu thành viên ban kiểm soát vào cuối tháng 2 năm nay, mà đến tháng 4 lại tiếp tục bầu ban kiểm soát?
Quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải: Nhiệm kỳ VII của chúng ta kéo dài từ năm 2020 đến 2025. Tháng 11 năm 2024, chúng ta đã tổ chức một kỳ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để miễn nhiệm một thành viên ban kiểm soát. Khi đó, theo quy định pháp luật, số thành viên ban kiểm soát không đủ số tối thiểu, nên chúng ta bắt buộc phải tổ chức Đại hội đồng cổ đông trong vòng 90 ngày. Từ ngày 28/11/2024 cộng thêm 90 ngày, chúng ta đã tổ chức Đại hội vào tháng 2 để bổ sung ba thành viên, gồm ông Lâm Nguyễn Thiện Nhơn và bà Trần Thị Minh Lý, nhằm đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.
Hiện nay, khi kết thúc nhiệm kỳ VII và bước sang nhiệm kỳ VIII (từ 2025 đến 2030), chúng ta bầu lại ban kiểm soát là hoàn toàn tuân theo quy định pháp luật, không phải do ý chí chủ quan.
Cổ đông: Vì sao giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài thấp hơn mức tối đa mà pháp luật cho phép?
Quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải: Hiện tại, chúng ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, và các đối tác nước ngoài rất quan tâm, để ý đến tiềm năng phát triển của Eximbank trong giai đoạn tiếp theo. Chúng tôi đã có những tiếp cận sơ bộ với nhiều tổ chức nước ngoài, trong đó có những tổ chức lớn mang tầm vóc thế giới. Kỳ vọng của họ là mong muốn đồng hành cùng chúng ta dưới vai trò đối tác chiến lược, cổ đông chiến lược, cổ đông lớn hoặc cổ đông gần lớn. Thông thường, đối tác chiến lược sẽ sở hữu khoảng 15%, cổ đông lớn khoảng 5%, và cổ đông gần lớn khoảng 4%. Tổng cộng các tỷ lệ này, cùng với một số đối tác mà chúng tôi đang bắt đầu tiếp cận, ước tính khoảng 24%. Chúng tôi đề xuất con số 6% (30% - 24%) nhằm đáp ứng điều này. Tất nhiên, tỷ lệ này sẽ phụ thuộc vào ý chí của tất cả quý vị cổ đông trong tương lai.
Cổ đông: Lý do vì sao năm nay ngân hàng không trả cổ tức?
Chủ tịch Nguyễn Cảnh Anh: Hội đồng quản trị rất thấu hiểu mong muốn của cổ đông về vấn đề cổ tức. Tuy nhiên, như chúng ta đã đề cập ngay từ đầu buổi Q&A này, 2025 được dự báo là một năm rất bất ổn. Mặt khác, Eximbank đang có chiến lược dài hạn nhằm tăng cường năng lực quản trị rủi ro, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất theo Basel III.
Việc không chia cổ tức trong năm 2025 không phải là một yếu tố tiêu cực, mà thực sự là một quyết định rất chủ động của Hội đồng quản trị. Mục tiêu là nhằm cung cấp một nền tảng tài chính vững chắc cho ngân hàng, giúp chủ động ứng phó với những biến động của thị trường, đồng thời nắm bắt các cơ hội trong tương lai. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể dành thêm nguồn lực để đầu tư vào các chiến lược tương lai.
Chúng tôi tin rằng, với định hướng như vậy, Eximbank sẽ phát triển an toàn, hiệu quả, vững chắc và bền vững trong giai đoạn tới. Qua đó, giá trị của tất cả cổ đông sẽ được gia tăng thông qua giá cổ phiếu và giá trị vốn hóa trên thị trường.
Cổ đông: Đề xuất có biện pháp gia tăng giá trị vốn hóa của ngân hàng lên 5 tỷ USD vào năm 2028
Chủ tịch Nguyễn Cảnh Anh: Tôi xin phép ghi nhận đây như một nhiệm vụ mà các cổ đông giao phó. Chúng tôi chắc chắn sẽ đưa mục tiêu này vào các tính toán chiến lược, đồng thời làm việc với các đối tác chiến lược trong thời gian tới. Qua đó, chúng tôi hy vọng lợi ích mang lại cho cổ đông không chỉ đến từ cổ tức, mà còn từ giá trị vốn hóa tăng lên và giá trị cổ phiếu tăng lên.
Cổ đông: Đề nghị bãn lãnh đạo chia sẻ về phương án xử lý đối với tài sản tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP HCM
Ông Trần Tấn Lộc - Phó Chủ tịch HĐQT: Trong thời gian vừa qua, Ban điều hành đã có trình lên HĐQT và được chấp thuận chủ trương tạm dừng việc xây dựng trụ sở tại địa chỉ số 7 Lê Thị Hồng Gấm, TP HCM. Đây là quyết định được cân nhắc hết sức cẩn trọng, phù hợp với định hướng kinh doanh dài hạn của ngân hàng, với mục tiêu cuối cùng là đem lại hiệu quả cao nhất và lợi ích tốt nhất cho cổ đông cũng như ngân hàng.
Khi Đại hội thông qua chủ trương dừng triển khai dự án xây dựng tại đây, HĐQT chắc chắn sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các phương án xử lý, khai thác hoặc sử dụng hiệu quả tài sản này, trên nguyên tắc tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.
Với các vấn đề vượt thẩm quyền hoặc cần xin ý kiến ĐHĐCĐ, chúng tôi cam kết sẽ báo cáo đầy đủ, đảm bảo tính minh bạch và cơ sở pháp lý vững chắc trong mọi quyết định, đồng thời vẫn giữ vững mục tiêu tối ưu hóa giá trị tài sản cho ngân hàng.
Cổ đông: Việc di dời trụ sở chính từ TPHCM ra Hà Nội sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đội ngũ cán bộ nhân viên?
Phó Chủ tịch Trần Tấn Lộc: Với bất kỳ một tổ chức nào, đặc biệt là ngân hàng của chúng ta, thì con người luôn luôn là tài sản quý giá nhất. Vì vậy, khi thực hiện việc chuyển trụ sở từ Thành phố Hồ Chí Minh sang Hà Nội, chúng ta rất quan tâm đến vấn đề con người. Chắc chắn, khi phương án này được các cơ quan chức năng cho phép, chúng ta sẽ có những kế hoạch phân công, bố trí nhân sự sao cho hợp lý nhất, phù hợp nhất, nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, với sự phát triển của ngân hàng số và các kỹ thuật công nghệ, chúng ta có thể bố trí nhân sự làm việc tại Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh, tùy thuộc vào vị trí và công việc. Miễn là đảm bảo được nhu cầu công việc mà ngân hàng đặt ra. Ngoài ra, trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tổ chức các buổi làm việc, đối thoại để tìm hiểu tâm tư, tình cảm của các cán bộ, nhân viên, lắng nghe yêu cầu và đề nghị của họ trong việc phân công, bố trí nhân sự. Điều này nhằm đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu của ngân hàng và tâm tư, tình cảm của cán bộ, nhân viên.
Ngân hàng cam kết sẽ đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu này, để phục vụ mục tiêu phát triển của ngân hàng.
Cổ đông: Nhiều ngân hàng đã xây dựng chiến lược 5 năm với sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn chiến lược quốc tế, và sau khi thực hiện đã đạt được những chuyển biến lớn về vị thế, kết quả kinh doanh. Vậy kế hoạch của của ngân hàng là như thế nào?
Chủ tịch Nguyễn Cảnh Anh: Hội đồng quản trị và Ban điều hành của Eximbank đều đánh giá rằng việc xây dựng chiến lược chung và dài hạn cho ngân hàng là một công việc bắt buộc phải thực hiện, và phải được thực hiện một cách bài bản. Và chúng tôi không thể tự làm một mình, nhưng cũng không thể dựa hoàn toàn vào đơn vị tư vấn. Hiện tại, chúng tôi đang vừa tự đánh giá bản thân, xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, đồng thời kết hợp với khá nhiều đơn vị tư vấn chiến lược quốc tế để xây dựng kế hoạch triển khai chiến lược trong thời gian sớm nhất.
Mục tiêu của ngân hàng là xây dựng một ngân hàng có bản sắc, minh bạch, an toàn, hiệu quả, có khả năng phục vụ khách hàng, kiến tạo giá trị cho khách hàng, cung ứng cho xã hội, cộng đồng, và mang lại lợi ích lớn nhất cho cộng đồng.
Cổ đông: Trong năm 2025, ngân hàng sẽ tập trung vào đâu, tăng trưởng tín dụng sẽ tập trung vào nhóm khách hàng nào?
Chủ tịch Nguyễn Cảnh Anh: Trong năm 2025, định hướng của Eximbank sẽ tập trung xoay quanh việc thực hiện ba mục tiêu lớn là: tăng trưởng, hiệu quả và an toàn.
Về tăng trưởng: Nếu nói về tín dụng, chúng tôi xác định tăng trưởng có chọn lọc, tập trung vào các phân khúc khách hàng tiềm năng nhưng an toàn, trên cơ sở tận dụng các thế mạnh của ngân hàng trong lĩnh vực bán lẻ, xuất nhập khẩu, và tài trợ thương mại.
Đối với huy động vốn, chúng tôi sẽ tập trung vào nguồn vốn giá rẻ, đặc biệt số dư CASA, dựa trên kế hoạchnâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp để Eximbank trở thành ngân hàng chính của khách hàng.
Song hành với tăng trưởng tín dụng và kinh doanh, Eximbank sẽ tập trung nâng cao thu nhập từ lãi và các thu nhập phí, nhất là trong các lĩnh vực mà ngân hàng vốn có thế mạnh, như tài trợ thương mại và doanh nghiệp FDI.
Về hiệu quả: Trong năm 2024, chúng tôi đã triển khai một số biện pháp và sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình bán hàng, cung cấp dịch vụ theo hướng tinh gọn và trung hòa vận hành để nâng cao năng suất. Ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là các dự án lớn liên quan đến AI.
Về an toàn: Trong năm 2025, Eximbank sẽ tiếp tục chú trọng quản trị rủi ro theo hướng đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, nâng cấp và cải tiến các phương pháp để đảm bảo quản trị rủi ro toàn diện, nhận diện và cảnh báo sớm, qua đó duy trì chất lượng tài sản tốt nhất, tình trạng thanh khoản ổn định nhất, và có bộ đệm vững chắc nhất.
Cổ đông: Đề nghị ban lãnh đạo chia sẻ về những thách thức kinh doanh trong năm 2025
Chủ tịch Nguyễn Cảnh Anh: Chúng ta đều biết rằng trong năm 2025, dù mới trải qua một quý, tình hình kinh tế và thị trường thế giới đã diễn biến rất khó lường.
Thị trường kinh tế vĩ mô quốc tế bất ổn đã ảnh hưởng đến tình hình kinh tế trong nước, đặc biệt là ngành tài chính ngân hàng – một ngành rất nhạy cảm với các biến động vĩ mô. Đối với Eximbank, chúng tôi nhận thấy:
Lãi suất đồng USD có xu hướng tăng cao, bao gồm cả mặt bằng lãi suất quốc tế. Rủi ro tỷ giá cũng tăng lên và khó lường. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, chất lượng tài sản, và gây áp lực về thanh khoản. Các yếu tố kinh tế vĩ mô này cũng gây áp lực lên biên lợi nhuận, làm tăng lãi suất đầu vào của ngân hàng.
Cụ thể, lãi suất trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng, áp lực nhu cầu vốn dài hạn tại các ngân hàng trong nước sẽ tăng, dẫn đến cạnh tranh sản xuất có thể diễn ra.
Về phía khách hàng, họ ngày càng kỳ vọng lãi suất cao hơn, thậm chí yêu cầu các sản phẩm sinh lời kèm dịch vụ giá trị gia tăng. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của tất cả các ngân hàng, trong đó có Eximbank.
Ngoài ra, cạnh tranh từ lĩnh vực Fintech cũng là một yếu tố mà chúng tôi phải đối mặt trong năm 2025.
Về giải pháp để vượt qua hoặc tận dụng cơ hội, chúng tôi đã trình bày một phần ở câu trả lời trước, và có thể tóm gọn trong 4 giải pháp chính:
Chất lượng tài sản: Đây là nhiệm vụ hàng đầu. Chúng tôi sẽ tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, kiểm soát chất lượng tín dụng chặt chẽ, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu (NPL) ở mức tốt.
Tập trung vào khách hàng tiềm năng và an toàn: Thông qua các chiến lược triển khai trước các biến cố và bất ổn của thị trường.
Gia tăng năng lực quản trị rủi ro và hiệu quả: Đảm bảo thành quả an toàn nhất.
Công tác nhân sự: Điều hướng mô hình kinh doanh và công tác nhân sự để tối ưu hóa.
Nói tóm lại, năm 2025 sẽ là một năm bất ổn với nhiều nguy cơ, nhưng trong nguy có cơ. Chúng tôi đánh giá rằng năm 2025 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành ngân hàng, đặc biệt với những tổ chức kiểm soát tốt rủi ro, thực hiện tăng trưởng có chọn lọc, quản trị hiệu quả, và chuyển đổi số nhanh, đúng bản chất. Những tổ chức này sẽ vượt lên dẫn đầu.
Kế hoạch của Eximbank về củng cố quản trị nội bộ, minh bạch cơ cấu cổ đông và nâng cao hiệu quả vận hành?
Quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải: Việc củng cố quản trị, minh bạch cổ đông và nâng cao hiệu quả hoạt động không chỉ là nhiệm vụ 3-5 năm tới, mà là sứ mệnh dài hạn của Eximbank.
Chúng tôi là một tổ chức niêm yết lớn, có thương hiệu trong nước và quốc tế, vì vậy việc minh bạch hóa thông tin cổ đông, nâng cao hiệu quả quản trị là yêu cầu tất yếu.
Hiện tại, chỉ số CIR (chi phí/thu nhập) của Eximbank còn cao so với trung bình ngành, và chúng tôi coi việc tinh gọn bộ máy, tối ưu chi phí, tăng hiệu quả hoạt động là nhiệm vụ trọng tâm để vừa nâng cao lợi ích cổ đông, vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Cổ đông: Eximbank có kế hoạch xử lý nợ xấu ra sao, mục tiêu tỷ lệ nợ xấu trong năm 2025?
Quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải: Chúng tôi đã đặt ra kế hoạch đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức 2,53% hiện nay xuống 1,99% trong năm 2025. Đây là mục tiêu rất thách thức, không phải cầu toàn. Theo đó, chúng tôi sẽ tập trung xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu tồn đọng 10-15 năm qua.
Một điểm thuận lợi là chất lượng tài sản thế chấp của Eximbank rất tốt, tỷ lệ cho vay có tài sản đảm bảo lên tới 96% tổng dư nợ. Chúng tôi sẽ tập trung toàn bộ hoạt động xử lý nợ về AMC, đồng thời tăng cường kiểm soát, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh để xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
Cổ đông: Eximbank có mục tiêu gì về chuyển đổi số, tăng khách hàng số và giảm chi phí vận hành?
Quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải: Về mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số, "tăng 30% khách hàng số và giảm chi phí giao dịch" (cổ đông nêu). Đây là những mục tiêu mơ ước với tất cả các ngân hàng hiện nay.
Chúng tôi xác định chuyển đổi số không chỉ là số hóa các thao tác thủ công, mà là tư duy số hóa toàn diện: onboarding khách hàng trực tuyến, triển khai các dịch vụ tài chính trên nền tảng số, phục vụ khách hàng trên không gian số.
Điều này sẽ giúp giảm mạnh chi phí vận hành, tinh gọn nhân sự, tăng tốc độ và năng suất hệ thống. Tuy nhiên, đi cùng với đó là yêu cầu đầu tư lớn cho công nghệ và hoạch định rõ ràng để không bị tụt hậu so với tốc độ phát triển công nghệ mới.
Eximbank ra đời với tên gọi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam, nên sứ mệnh của chúng ta gắn liền với lĩnh vực này. Tài trợ thương mại từ trước đến nay luôn là thế mạnh của Eximbank và sẽ tiếp tục như vậy. Minh chứng là dù số lượng khách hàng không tăng nhiều trong những năm qua, nhưng chúng tôi tự hào có tỷ lệ khách hàng gắn bó bền vững từ 15-20 năm, cao nhất thị trường. Đây là nền tảng để phát triển mảng tài trợ thương mại với các đối tác tài chính trong và ngoài nước. Chúng tôi đặt mục tiêu không chỉ tăng trưởng quy mô, mà còn tăng thu nhập từ phí dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ thay vì chỉ cạnh tranh bằng lãi suất.
An ninh tiền tệ
CÙNG CHUYÊN MỤC
