MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án 200.000 tỷ kết nối Việt-Trung: Điều đặc biệt trên tuyến Bắc Kinh-Thượng Hải hé lộ "bí kíp tỷ đô"

Dự án đang được gấp rút hoàn thiện quy hoạch, kỳ vọng trở thành hành lang có nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa lớn thứ 2 của cả nước, chỉ sau hành lang kinh tế Bắc-Nam.

Dự án 200.000 tỷ kết nối Việt-Trung: Điều đặc biệt trên tuyến Bắc Kinh-Thượng Hải hé lộ "bí kíp tỷ đô"- Ảnh 1.

Báo Tiền Phong ngày 11/4 đưa tin, Bộ Xây dựng đang xin ý kiến Dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh dài hơn 460km với tổng vốn đầu tư hơn 200.000 tỷ đồng.

Điểm đầu dự án tại cửa khẩu Lào Cai kết nối với đường sắt Trung Quốc, và điểm cuối tại ga Cái Lân, TP. Hạ Long, Quảng Ninh.

Trước đó, theo Thông báo số 157/TB-VPCP ngày 05/4/2025 từ Văn phòng Chính phủ, liên quan tới dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước trong tháng 4/2025 để tiến hành thẩm định cùng với quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, đáp ứng tiến độ khởi công vào tháng 12/2025.

Thủ tướng cũng đồng ý với kiến nghị Bộ Xây dựng khởi công gói thầu xây dựng hạ tầng ga Lào Cai mới và khởi công các khu tái định cư của Dự án trong năm 2025.

Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính trên cơ sở Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án, làm việc với phía Trung Quốc để đàm phán Hiệp định khung về các nội dung liên quan đến Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong tháng 5/2025.

Dự án 200.000 tỷ kết nối Việt-Trung: Điều đặc biệt trên tuyến Bắc Kinh-Thượng Hải hé lộ "bí kíp tỷ đô"- Ảnh 2.

Tuyến đường sắt ào Cai-Hà Nội-Hải Phòng sẽ là hành lang có nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa lớn thứ 2 của cả nước, chỉ sau hành lang kinh tế Bắc-Nam.

Theo Nghị quyết 187, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với tổng vốn 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,37 tỷ USD, phấn đấu hoàn thành chậm nhất năm 2030.

Ngày 10/12/2024, tại phiên họp lần thứ 16 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc – Việt Nam tổ chức tại Bắc Kinh, đại diện hai phía đã trao Thỏa thuận giữa hai chính phủ về hợp tác xây dựng 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn: Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội và Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng.

VietnamPlus dẫn lời ông Nguyễn Khánh Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Xây dựng) cho biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng sẽ là hành lang có nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa lớn thứ 2 của cả nước, chỉ sau hành lang kinh tế Bắc-Nam.

Về phía Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hà Vĩ khẳng định việc xây dựng các tuyến đường sắt này không chỉ nâng cao kết nội địa Việt Nam mà còn thúc đẩy thương mại song phương. "Việc rút ngắn thời gian vận chuyển sẽ giúp hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước lưu thông thuận lợi, đồng thời tạo điều kiện giao lưu cho người dân, mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho cả khu vực".

Dự án 200.000 tỷ kết nối Việt-Trung: Điều đặc biệt trên tuyến Bắc Kinh-Thượng Hải hé lộ "bí kíp tỷ đô"- Ảnh 3.

Đề cập tới dự án đường sắt kết nối Việt Nam – Trung Quốc, tạp chí News China dẫn lời chuyên gia nhận định, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Vì thế, tuyến đường sắt xuyên biên giới sẽ mang lại cơ hội lớn cho cả Việt Nam và Trung Quốc.

Theo ông Cao Vũ Quyên (Cao Yujian), Giám đốc Viện Kinh tế Vĩ mô thuộc Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, tuyến đường sắt cao tốc Việt Nam dự kiến kéo dài từ Hà Nội đến tỉnh Lạng Sơn – giáp biên giới với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) – sẽ đi qua các khu kinh tế trọng điểm ở miền Bắc Việt Nam, kết nối các khu công nghiệp dọc theo tuyến, tạo thành một vành đai kinh tế tự nhiên.

Hiện tại, thương mại song phương giữa hai nước chủ yếu vẫn dựa vào vận tải đường bộ – vốn có năng lực vận chuyển thấp hơn. Do đó, nếu các tuyến đường sắt liên vận mới giữa hai nước hoàn thành, chi phí và thời gian vận chuyển sẽ giảm đáng kể, từ đó thúc đẩy hơn nữa các hoạt động kinh tế ở cả hai quốc gia.

Dự án 200.000 tỷ kết nối Việt-Trung: Điều đặc biệt trên tuyến Bắc Kinh-Thượng Hải hé lộ "bí kíp tỷ đô"- Ảnh 4.

Theo ông Cao Vũ Quyên, Việt Nam có thể tham khảo mô hình thành công của tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải của Trung Quốc. Ảnh: Bing

Ông Cao cho rằng, trong quá trình xây dựng và vận hành các tuyến đường sắt, Việt Nam có thể tham khảo mô hình thành công của tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải của Trung Quốc.

Tuyến này có chiều dài khoảng 1.300km, gần tương đương với tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam của Việt Nam và hiện ở Trung Quốc, đây là tuyến đường sắt có lợi nhuận cao nhất cả nước.

Trước đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024 với tổng vốn sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD). Tuyến đường dài 1.541 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh thành.

"Các tuyến đường sắt có thể đảm bảo tính ổn định của chuỗi cung ứng xuyên biên giới, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và tạo điều kiện cho sự hình thành một hành lang kinh tế đường sắt cao tốc liên quốc gia. Điều này sẽ đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng cộng đồng Việt – Trung cùng phát triển trong tương lai" - ông Cao nói với News China.

Dự án 200.000 tỷ kết nối Việt-Trung: Điều đặc biệt trên tuyến Bắc Kinh-Thượng Hải hé lộ "bí kíp tỷ đô"- Ảnh 5.

"Mạch máu kinh tế" của Trung Quốc

Năm 2011, tuyến đường sắt cao tốc (HSR) Bắc Kinh – Thượng Hải chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử giao thông Trung Quốc.

Với chiều dài 1.318 km, tuyến đường này không chỉ rút ngắn hành trình giữa hai "đầu tàu kinh tế" của Trung Quốc từ 10 giờ xuống còn 4,5 giờ, mà còn trở thành "cỗ máy in tiền" đem lại lợi nhuận hàng tỷ USD mỗi năm.

Theo phân tích của Nhân dân Nhật báo, thành công này là kết quả của mô hình vận hành thông minh, kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và chiến lược kinh tế.

Công nghệ tiên phong và quản lý hiện đại

Một trong những yếu tố then chốt giúp tuyến đường sắt này vận hành trơn tru là hệ thống hạ tầng và công nghệ vượt trội. Các đoàn tàu CRH (China Railway High-speed) được thiết kế để đạt tốc độ tối đa 350 km/h, tích hợp công nghệ tái tạo năng lượng khi phanh, giúp tiết kiệm 30% điện năng so với tàu thường.

Tạp chí Caixin nhận định vào năm 2023 rằng đây là "cuộc cách mạng" trong ngành đường sắt khi lần đầu tiên Trung Quốc áp dụng hệ thống điều khiển tự động CTCS-3, cho phép tàu chạy an toàn ở khoảng cách chỉ 3 phút/chuyến.

Không dừng lại ở công nghệ, mô hình quản lý cũng góp phần tối ưu hóa hiệu quả. Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước, tuyến đường này được vận hành theo mô hình hợp tác công – tư (PPP), huy động vốn từ cả chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân.

Vào tháng 1/2020, Công ty Đường sắt Cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải đã niêm yết thành công trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải. Trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), công ty đã bán 6,29 tỷ cổ phiếu với giá 4,88 nhân dân tệ mỗi cổ phiếu, huy động được tổng cộng 30,7 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 4,5 tỷ USD).

Theo dữ liệu từ năm tài chính 2023, tổng doanh thu của công ty đạt khoảng 40,68 tỷ nhân dân tệ. Cơ cấu doanh thu được phân bổ như sau:

Dịch vụ mạng lưới đường sắt: 24,22 tỷ nhân dân tệ (chiếm 59,54% tổng doanh thu)

Dịch vụ hành khách: 16,08 tỷ nhân dân tệ (chiếm 39,53% tổng doanh thu)

Các hoạt động kinh doanh khác: 377,29 triệu nhân dân tệ (chiếm 0,93% tổng doanh thu)

Dự án 200.000 tỷ kết nối Việt-Trung: Điều đặc biệt trên tuyến Bắc Kinh-Thượng Hải hé lộ "bí kíp tỷ đô"- Ảnh 6.

Ảnh: Minh Nhật

Lợi ích kinh tế: Từ giao thông đến phát triển vùng

Theo nghiên cứu "Study on the impact of the Beijing–Shanghai high-speed railway on regional economic equity based on economic performance (Nghiên cứu về tác động của tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải đến công bằng kinh tế khu vực dựa trên hiệu quả kinh tế)" năm 2021, tuyến đường sắt Bắc Kinh – Thượng Hải (BSHR) mang tới các lợi ích kinh tế sau:

Tăng trưởng GDP bình quân đầu người dọc tuyến

Việc mở tuyến BSHR đã giúp GDP bình quân đầu người tại các thành phố có ga dọc theo tuyến tăng mạnh – từ 43.140,91 nhân dân tệ (2008) lên 100.949,96 nhân dân tệ (2018).

Tuyến đường sắt cao tốc này là một trong những tuyến đường sắt bận rộn và sinh lời nhất thế giới.

Năm 2019, BSHR vận chuyển hơn 210 triệu lượt hành khách, vượt qua tổng số hành khách hàng năm của toàn bộ mạng lưới TGV (Pháp) hoặc Intercity Express (Đức). Trong cùng năm, BSHR đạt lợi nhuận ròng 11,9 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,86 tỷ USD), trở thành tuyến đường sắt cao tốc có lợi nhuận cao nhất Trung Quốc.

Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành phố

Chỉ số biến thiên (coefficient of variation) của GDP bình quân đầu người giữa các thành phố dọc tuyến đã giảm từ 0,625 xuống còn 0,549, cho thấy sự giảm bất bình đẳng kinh tế giữa các khu vực – tức là đạt được công bằng kinh tế vùng (regional economic equity).

Tối ưu hóa phân bổ nguồn lực

Tuyến BSHR giúp dòng chảy hai chiều của các yếu tố sản xuất như nhân lực, công nghệ và thông tin:

Tài nguyên chất lượng cao từ các thành phố nhỏ → chảy vào các thành phố lớn

Một phần nguồn lực dư thừa từ thành phố lớn → chuyển về các khu vực nhỏ hơn

Thúc đẩy liên kết vùng và phân công công nghiệp

Tuyến đường tạo ra cả hiệu ứng "siphon" và "khuếch tán": Các thành phố lớn thu hút nguồn lực cao cấp hơn (siphon), nhưng đồng thời cũng chuyển dịch ngành công nghiệp cấp thấp về vùng nhỏ hơn, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh và giảm tải cho đô thị trung tâm.

Thúc đẩy đầu tư công và cải thiện hạ tầng

Các đô thị mà tuyến BSHR chạy qua đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về đầu tư tài sản cố định, chi tiêu tài khóa và phát triển cơ sở hạ tầng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Tân Hoa Xã dẫn lời chuyên gia giao thông Wang Mengshu cho biết, tuyến đường đã làm giảm 45% lượng chuyến bay nội địa giữa Bắc Kinh và Thượng Hải, đồng thời thúc đẩy bất động sản dọc tuyến. Giá đất quanh các ga như Tế Nam hay Từ Châu tăng 25-40% chỉ sau 5 năm vận hành.

Phát triển cụm đô thị và ngành dịch vụ

Tuyến BSHR thúc đẩy các dịch vụ thương mại, hậu cần, vận tải phát triển nhanh chóng dọc theo trục kết nối Bắc – Nam này.


Theo Minh Nhật

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên