Hàng trăm tấn dầu ăn, bột canh, hạt nêm giả được bán ra thị trường: Làm thế nào phân biệt?
Mới đây, hàng trăm tấn dầu ăn, bột canh, hạt nêm giả được phát hiện bán ra thị trường. Chuyên gia chỉ cách phân biệt.
Mới đây, Công an tỉnh Phú Thọ vừa đột kích, khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam tại xã Thụy Vân, TP Việt Trì. Lực lượng chức năng xác định doanh nghiệp này đã tuồn ra thị trường 144 tấn dầu ăn, 118 tấn bột canh và 363 tấn hạt nêm giả.
Theo VTC News, Giám đốc Nguyễn Văn Hưng khai mua nguyên liệu từ Công ty TNHH Thương mại Quang Thanh (Hà Nội), sau đó đóng gói thành các sản phẩm giả danh thương hiệu Singapore và Nhật Bản.
Tại hiện trường, công an tạm giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả cùng gần 84 tấn phụ gia và khoảng 1,6 triệu bao bì, can nhựa. Kết quả giám định cho thấy các sản phẩm không đạt chất lượng công bố.
Hiện, Công an tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Các sản phẩm hàng giả bị thu giữ. (Ảnh: Công an cung cấp)
Cảnh báo tác động tới sức khoẻ
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ thực phẩm, cho biết việc làm giả các thực phẩm tiêu dùng hằng ngày là một gian dối không thể chấp nhận được. Các mặt hàng được làm giả như dầu ăn, bột canh, hạt nêm ít nhiều ảnh hưởng tới sức khoẻ ở những mức độ nhất định.
Hiện nay, việc làm hàng giả không chỉ nhỏ lẻ mà thường theo quy mô lớn hàng trăm tấn và được vận chuyển đi khắp nơi. Đây là một điều rất nguy hiểm, gây mất lòng tin của người tiêu dùng, chuyên gia nói.
Ông Thịnh cho biết, làm giả dầu ăn thường có 2 cách:
- Cách làm giả thứ nhất là dùng dầu đã sử dụng, sau đó thu mua tái chế lại thành dầu mới. Loại dầu này khi dùng sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng, tăng nguy cơ bệnh tật, thậm chí là ung thư.
- Cách làm giả thứ hai là công ty mua dầu ăn đảm bảo chất lượng nhưng rẻ tiền, trộn với dầu ăn đắt tiền, biến nó thành sản phẩm cao cấp. Với cách làm giả này, người tiêu dùng sẽ chỉ mất tiền chứ không ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Còn đối với bột canh và hạt nêm, ông Thịnh cho rằng nếu các sản phẩm này không có chất gây hại, chỉ không đúng tỷ lệ thành phần, thì có thể không ảnh hưởng cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Cách phân biệt hàng thật - giả
Ông Thịnh cho biết rất khó có thể phân biệt được hàng giả và hàng thật vì hiện nay việc làm giả rất tinh vi. Tuy nhiên, để mua được hàng đảm bảo, người tiêu dùng cần lưu ý những điểm sau:
- Mua hàng ở những nơi tin cậy, thương hiệu lớn. Không nên mua hàng của các thương hiệu lạ. Nếu là sản phẩm nhập khẩu, cần có tem và nhãn phụ.
- Sản phẩm chính hãng luôn ghi rõ xuất xứ, hạn sử dụng, mã vạch; sản phẩm giả có thể ghi thiếu, sai quy chuẩn, mã vạch không quét được hoặc dẫn đến trang web không chính thức.
- Bao bì sản phẩm giả thường nhạt màu, thiếu sắc nét, chữ in có thể bị lem, mờ hoặc sai lỗi chính tả nhỏ.
- Đối với mì chính: Với hàng thật, hạt mì chính trong, đều, hơi dài hình thoi; hàng giả thì hạt có thể ngắn, vỡ vụn, màu đục hoặc có lẫn tạp chất.
- Đối với bột canh: Hàng thật mịn, đồng nhất, không có vón cục bất thường; hàng giả có thể lẫn tạp chất, độ mịn không đều, có mùi lạ.
- Đối với hạt nêm: Hàng thật có hạt đều, khô ráo, mùi thơm tự nhiên; Hàng giả có hạt ẩm, dễ vón cục, mùi lạ hoặc mùi hóa chất nồng.
- Đối với dầu ăn: Hàng thật có màu sắc trong, sáng vàng nhạt, đồng nhất, không có cặn hay vẩn đục; dầu ăn giả có màu sắc thường đậm hơn bất thường, có thể hơi đục, lắng cặn hoặc có lớp màng bất thường khi để lâu.
Đời sống & pháp luật