Hàng từ Nam Ninh sang Bắc Giang chỉ mất 1 ngày: Việt Nam sắp có cửa khẩu thông minh tiên tiến nhất ASEAN
45 giây hoàn tất bước thông quan cuối cùng, 24 giờ giao hàng xuyên biên giới Trung Quốc-Việt Nam. Những con số “khó tin” này đang dần trở thành hiện thực tại biên giới Việt-Trung.
- 13-04-2025Nhiều doanh nghiệp bị hủy đơn hàng do áp lực thuế quan Mỹ
- 12-04-2025Thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ
- 12-04-2025Hội nghị Trung ương 11: Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử
Vào tháng 4, cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), bước vào mùa cao điểm thông quan hàng hóa, với dòng xe liên tục qua lại biên giới, chở theo các sản phẩm như trái cây, cơ điện, tạo nên cảnh tượng tấp nập.
Cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan vốn là một trong những cửa khẩu đất liền lớn nhất và thuận tiện nhất nối liền Trung Quốc và Việt Nam. Trong những ngày gần đây, một mô hình giám sát hải quan mới đã được thí điểm tại đây, sử dụng các phương tiện thông minh để nâng cao hơn nữa hiệu quả và năng lực thông quan.
Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ triển khai mô hình cửa khẩu thông minh xuyên biên giới đầu tiên tại đây, trong đó khu vực cửa khẩu phía Trung Quốc sẽ chính thức bước vào giai đoạn vận hành thử nghiệm trong năm nay.
"Bến bãi tập kết container của chúng tôi được trang bị tổng cộng 5 cần cẩu cố định, 4 làn xe container và 2 làn xe không người lái. Thông qua chế độ khai báo thông quan thông minh, hàng hóa xuất khẩu [phía Trung Quốc] di chuyển đến làn xe container, sau đó thông quan bằng cần cẩu cố định và xe tự hành thông minh", ông Lương Bảo Minh, chỉ huy trưởng Ban chỉ huy xây dựng dự án cửa khẩu thông minh về Kênh vận tải hàng hóa cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan cho biết, lưu lượng giao thông trung bình hàng ngày hiện tại của Hữu Nghị Quan là khoảng 1.500 xe.
Sau khi Trung Quốc và Việt Nam xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng hệ thống cửa khẩu thông minh, năng lực thông quan của Hữu Nghị Quan sẽ tăng theo cấp số nhân, giúp kết nối giữa Trung Quốc và ASEAN.

Cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) sẽ thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh, nâng cao năng lực thông quan. Ảnh: VGP
Thời gian thông quan giảm từ 6 giờ xuống còn 3 giờ
Tại Hữu Nghị Quan, trong kho hàng hóa của Công ty TNHH Logistics Suzhou Fuliankang, chi nhánh Quảng Tây, các thùng linh kiện điện tử có giá trị cao đang được chuyển đến kho, sẵn sàng được chất lên xe tải và chuyển về Việt Nam để lắp ráp.
Giám sát kho Lê Thần gõ vào màn hình điện thoại di động để theo dõi tiến độ thông quan của hơn chục đơn hàng hàng hóa. "Hiện nay với ứng dụng di động 'Hữu Nghị Quan thông minh', thủ tục khai báo hải quan có thể được điền trước trên điện thoại di động. Tiến độ thông quan hàng hóa cũng có thể được theo dõi trên điện thoại di động bất cứ lúc nào, hiệu quả thông quan được cải thiện đáng kể".
Ông này cho biết kim ngạch xuất khẩu của công ty trong năm 2024 đạt 240 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Bắt đầu từ năm 2022, Hữu Nghị Quan đã liên tiếp thúc đẩy triển khai "nền tảng quản lý hậu cần thông minh", "hệ thống quản lý hỗ trợ kiểm tra thông minh" và "hệ thống xử lý kiểm dịch thông minh", cải thiện đáng kể hiệu quả thông quan của cảng.

Hệ thống cửa khẩu thông minh Việt Nam-Trung Quốc (Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan) là dự án cửa khẩu thông minh xuyên biên giới đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: Khu thương mại tự do Sùng Tả
Trong hai tháng đầu năm nay, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Hữu Nghị Quan đạt mức tăng trưởng hai chữ số, hoạt động ngoại thương có khởi đầu tốt đẹp.
Ông Nông Phi Phiêu, Phó Trưởng phòng Giám sát hậu cần, cửa khẩu Hữu Nghị Quan cho biết, từ đầu năm nay, dựa vào "Nền tảng quản lý và kiểm soát hậu cần thông minh", toàn bộ quy trình thông quan hàng hóa đã được phân chia chính xác từ 15 khâu ban đầu thành 21 khâu. Thông qua "thiết bị định vị Bắc Đẩu gắn trên xe + ghi hình giám sát", dữ liệu xe có thể được đăng ký ngay từ thời điểm khai báo danh sách xe để đảm bảo việc điều động xe diễn ra suôn sẻ.
"Hệ thống quản lý hỗ trợ kiểm tra thông minh" lắp đặt màn hình hiển thị và cảm biến địa từ tại vị trí kiểm tra để cảm nhận chính xác trạng thái bận hay nhàn rỗi của bãi đỗ xe và tự động chỉ định vị trí kiểm tra, do đó giảm thời gian chờ hàng hóa xuống 20% và tăng hiệu quả kiểm tra luân chuyển của bãi đỗ xe lên 35%. Bằng cách truy cập vào ứng dụng di động, các công ty có thể quản lý tự động toàn bộ quá trình ra vào của xe cộ.
"Hệ thống xử lý kiểm dịch thông minh" đã hệ thống hóa toàn bộ quy trình xử lý kiểm dịch, bao gồm xếp hàng và gọi xe xử lý kiểm dịch, lên lịch xe ra vào kho khử trùng, theo dõi nồng độ và nộp báo cáo xử lý kiểm dịch. Nhờ hoạt động hoàn toàn kỹ thuật số, một lần xử lý có thể tiết kiệm được 3,5 giờ.
Hữu Nghị Quan cũng thúc đẩy xây dựng phòng thí nghiệm tại chỗ để hiện thực hóa kết nối "tại chỗ + trung tâm", rút ngắn thời gian giao mẫu trái cây nhập khẩu, tối đa hóa tốc độ xét nghiệm trái cây trong phòng thí nghiệm, đảm bảo giải phóng hàng nhanh chóng.
"Trước đây, phải mất 6 giờ để thông quan một container trái cây nhập khẩu nhưng giờ đây có thể hoàn thành chỉ trong 3 giờ. Điều này không chỉ làm giảm tỷ lệ hư hỏng của trái cây tươi mà còn rút ngắn thời gian đưa trái cây đến thị trường", Lục Thủy Tĩnh, Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Logistics Quốc tế Âu Hằng Quảng Tây, chuyên về thương mại nhập khẩu trái cây, cho biết.
Đáng chú ý, ở bước cuối cùng khi vào cửa khẩu phía Trung Quốc, thủ tục thông quan chỉ diễn ra trong khoảng 45 giây.
"Mỗi lần qua cửa khẩu, tôi chỉ cần hạ kính xe để hệ thống thu thập dấu vân tay và nhận diện khuôn mặt. Thông thường, chỉ mất khoảng 45 giây để hoàn tất việc thông quan bằng thẻ", một tài xế Việt Nam cho biết.
Công việc của anh là vận chuyển trái cây Việt Nam đến các điểm tập kết hàng hóa Trung Quốc. Nhờ điều kiện thông quan thuận lợi tại Hữu nghị Quan, hiện tại anh có thể thực hiện trung bình 30 chuyến đi giữa hai nước mỗi tháng.
"Tôi hy vọng nhiều loại trái cây Việt Nam có thể xuất khẩu sang Trung Quốc hơn để tôi có thể chạy xe nhiều hơn và tăng thêm thu nhập", anh nói.

Hàng hóa từ Nam Ninh (Trung Quốc) sẽ được giao đến các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh sẽ được giao trong vòng 24 giờ.
Hàng từ Nam Ninh sang Bắc Giang chỉ mất 1 ngày
Để nắm bắt tiến độ xây dựng, phía Trung Quốc đã hoàn thành việc đào 1,28 triệu mét khối đất đá trong vòng ba tháng, xây dựng nền tảng kiểm tra toàn diện cho hệ thống cửa khẩu thông minh và bổ sung 72 trạm kiểm tra thông minh.
Ông Lương Bảo Minh cho biết, tổng mức đầu tư của dự án cửa khẩu thông minh hữu nghị Trung - Việt là 1,062 tỷ NDT (tương đương hơn 3,729 tỷ VND).
Hệ thống sử dụng định vị vệ tinh, công nghệ 5G, phương tiện vận chuyển thông minh và thiết bị nâng tự động quy mô lớn, kết hợp với hệ thống kiểm tra thông minh và nền tảng chỉ huy và điều phối thông minh để thực hiện các tác nghiệp thông minh, vận hành trong mọi thời tiết.
Hiện tại, dự án cửa khẩu thông minh của phía Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành, nhiều hệ thống thiết bị đã bước vào giai đoạn nghiệm thu, chạy thử. Phía Trung Quốc sẽ đưa vào vận hành thử nghiệm trong năm nay.
Ông Lương Bảo Minh nói thêm, sau khi hoàn thành dự án cửa khẩu thông minh sẽ đạt được mục tiêu “ba giảm, một hạ, một nâng” (giảm giấy tờ, giảm liên kết, giảm nhân lực; hạ chi phí thông quan; nâng cao hiệu quả thông quan) và 2 mục tiêu "24 giờ”.
"Sau khi hoàn thành, việc thông quan tại cửa khẩu sẽ được thực hiện trong vòng 24 giờ và hàng hóa từ Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) sẽ đến các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trong vòng 24 giờ, hiện thực hóa hoạt động thương mại xuyên biên giới 'không ngừng nghỉ' giữa Trung Quốc và Việt Nam", ông Thạch Lỗi, Phó trưởng cửa khẩu Hữu Nghị Quan cho biết.
Cửa khẩu thông minh tiên tiến nhất ASEAN
Về phía Việt Nam, ngày 17/8/2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 865/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại các đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và mốc 1088/2 - 1089, thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Mục tiêu của đề án là xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành cửa khẩu kiểu mẫu, tiên tiến nhất khu vực ASEAN, phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, góp phần đưa tỉnh Lạng Sơn trở thành trung tâm xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ kết nối hàng hóa quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc.
Đến năm 2027, đề án đặt mục tiêu nâng năng lực thông quan tại khu vực mốc 1119 - 1120 từ 800 xe/ngày lên 2.000 - 2.500 xe/ngày, và tại khu vực mốc 1088/2 - 1089 từ 400 xe/ngày lên 800 - 1.200 xe/ngày.
Đến năm 2030, công suất thông quan tại khu vực mốc 1119 - 1120 dự kiến đạt 3.000 - 3.500 xe/ngày, còn khu vực mốc 1088/2 - 1089 đạt 2.000 - 2.500 xe/ngày.
Việc thí điểm sẽ tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như hoa quả, linh kiện điện tử từ Việt Nam và ASEAN, cùng các mặt hàng linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đề án kỳ vọng sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển và thông quan, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng thu ngân sách, góp phần chống buôn lậu, gian lận thương mại và đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia, đồng thời nâng cao đời sống của nhân dân hai bên biên giới.

Xe container nhộn nhịp qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị ngày nay - Ảnh: VGP
Tiếp tục thúc đẩy việc kết nối các cơ chế liên quan giữa Việt Nam và Trung Quốc
Vào tháng 10 năm ngoái, Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) và Hải quan các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Cao Bằng đã tổ chức Hội đàm hải quan "Hai nước, bốn bên" Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 10 tại Liễu Châu, Quảng Tây và ký kết biên bản ghi nhớ.
Các bên đã đạt được một số sự đồng thuận về các vấn đề như làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác hải quan biên giới Việt Nam-Trung Quốc, thúc đẩy xây dựng và phát triển cửa khẩu thông minh, tăng cường hợp tác quản lý cảng và cùng thúc đẩy xây dựng các dự án như cửa khẩu thông minh Việt Nam-Trung Quốc.
Tại kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc năm nay, ông Vi Triều Huy, Ủy viên Ủy ban toàn quốc Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, Cục trưởng Cục triển lãm quốc tế Quảng Tây, đã đặc biệt đưa nội dung "thúc đẩy xây dựng cửa khẩu thông minh" vào "Đề xuất phát huy vai trò Khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN 3.0".
Đồng thời, ông Vi cũng đưa ra các kiến nghị sau khi nghiên cứu thực tế về những vấn đề hiện nay của cửa khẩu thông minh Việt Nam-Trung Quốc trong một số khía cạnh như quy hoạch và xây dựng, công nhận song phương về tiêu chuẩn, tiến độ xây dựng, kết nối pháp lý.
"Dự án cửa khẩu thông minh hữu nghị Trung - Việt - Hành lang vận tải hàng hóa Hữu Nghị không chỉ là biện pháp sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả thông quan của các cửa khẩu Trung - Việt, mở rộng hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước mà còn đóng vai trò dẫn đầu trong việc thúc đẩy tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư tại Trung Quốc và toàn bộ khu vực ASEAN".
Ông Vi Triều Huy cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy việc kết nối các cơ chế liên quan giữa Trung Quốc và Việt Nam, đẩy nhanh quá trình kết nối và khả năng tương tác của các cửa khẩu thông minh Trung Quốc - Việt Nam, triển khai các chức năng đã thiết kế và đạt được mục tiêu xây dựng tự động hóa, trí tuệ hóa, thông minh hóa".
Đời sống & pháp luật
CÙNG CHUYÊN MỤC

Doanh nghiệp "đau đầu" với lao động trẻ
17:02 , 26/04/2025
Đơn vị trúng gói thầu 2.000 tỷ ở sân bay Long Thành là ai?
16:25 , 26/04/2025