Hé lộ thời điểm và cách thức Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch ứng phó thương chiến lần 2 với Mỹ, quan chức Bắc Kinh tuyên bố nếu thỏa hiệp bây giờ, mọi nỗ lực trước đây sẽ vô ích
Đối với các quan chức Trung Quốc, công tác chuẩn bị đã bắt đầu từ lâu trước khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.
- 26-04-2025Kỳ vọng lạm phát Mỹ chạm mức cao nhất 44 năm dù ông Trump đã tạm hoãn áp thuế 90 ngày
- 26-04-2025Tổng thống Donald Trump nói "đã thực hiện 200 thỏa thuận" thuế quan
- 26-04-2025Trung Quốc công bố kế hoạch kinh tế quan trọng giữa căng thẳng thuế quan với Mỹ

Nhiều tháng trước cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11, quan/viên chức tại các bộ ngành chính phủ Trung Quốc và doanh nghiệp quốc doanh đã tìm cách ứng phó với những tác động tiềm tàng từ chính quyền Trump 2.0, tờ SCMP đưa tin.
CEO của một trong những tổ chức tài chính lớn nhất nước này cho biết: “Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu sâu về ông Trump từ giữa năm ngoái”.
“Chúng tôi đã nghiên cứu và tìm hiểu về ông ấy từ mọi góc độ, từ lời nói cho đến mọi động thái trong quá khứ”, người này cho biết.
Các quan chức làm việc suốt ngày đêm để chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại khác, đến mức tất cả các chuyến công tác không liên quan đến thương mại đều phải hoàn thành trước cuối tháng 2.
Giới lãnh đạo Trung Quốc dự đoán ông Trump rất khó đoán và có chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Theo 2 nguồn tin quen thuộc với vấn đề, mục tiêu là tập trung đánh giá và lập kế hoạch dự phòng để ứng phó với những cú sốc do chính quyền mới của Mỹ gây ra.
Mức thuế của ông Trump đã vượt dự tính, nhưng Bắc Kinh quyết tâm vượt thách thức và tăng cường công cụ để đáp trả và ứng phó với những cú sốc kinh tế lớn, một số nguồn tin cho biết.
Đầu tháng này, chính quyền ông Trump áp thuế nhập khẩu 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, đưa mức thuế quan thực tế lên khoảng 156%. Bắc Kinh đáp trả bằng cách nâng thuế đối với hàng hóa từ Mỹ lên 125%.
Vài ngày sau khi công bố thuế quan, Tổng thống Trump đã tuyên bố hoãn áp thuế với các đối tác thương mại trong 90 ngày, trừ Trung Quốc.
Các nguồn tin cho biết Bắc Kinh đã chuẩn bị kỹ lưỡng với các dữ liệu sâu và đánh giá về khả năng chống chịu của Trung Quốc khi thương chiến leo thang.
Dự kiến, các đòn thuế quan của Mỹ sẽ tác động rõ rệt hơn tới kinh tế Trung Quốc trong quý 2. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần khẳng định vẫn còn nhiều dư địa chính sách để ứng phó với rủi ro suy giảm. Trung Quốc cũng cam kết sẽ “chiến đấu đến cùng” nếu cần.
“Sự trỗi dậy hay suy yếu của một cường quốc chưa bao giờ là quá trình dễ dàng. Nó thường là cuộc chiến sống còn”, một quan chức kinh tế nhận định. “Ngay cả khi chiến tranh không nổ ra, thì ‘cuộc chiến lớn’ vẫn đang diễn ra trên nhiều mặt trận”.
Theo quan chức này, cách đàm phán của ông Trump luôn là “nhắm tới 50, nhưng đòi 100”. Ông kêu gọi giữ bình tĩnh, đánh giá thấu đáo lợi ích cốt lõi và sự thay đổi trong tương quan quyền lực giữa hai nước.
“Ông Trump muốn kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, nhưng ông ấy không thể đi ngược lại các quy luật kinh tế,” vị này nói thêm, đồng thời nhấn mạnh đây có thể là “cơ hội ngàn năm có một” để Trung Quốc đảm bảo an ninh kinh tế và quốc gia trong dài hạn.
Đã có những dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng đang xem xét cắt giảm thuế quan đối với Trung Quốc. Ngày 23/4, ông Trump cho biết hai bên đã đàm phán để tiến tới đạt thỏa thuận. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc bác bỏ tuyên bố trên và cho biết Trung Quốc chưa hề có cuộc đàm phán nào về thuế quan.
“Chúng ta phải kiên định và giữ vững. Nếu thỏa hiệp ngay bây giờ, mọi nỗ lực trước đây của chúng ta sẽ trở nên vô ích”, quan chức kinh tế trên cho biết. “Vào thời điểm này, những cân nhắc về chính trị lớn hơn những cân nhắc về kinh tế”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nếu muốn giải quyết vấn đề, Mỹ cần từ bỏ chiến thuật gây sức ép tối đa, ngừng đe dọa và ép buộc, đồng thời hợp tác với Trung Quốc “trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”.
Theo SCMP
Nhịp Sống Thị Trường
CÙNG CHUYÊN MỤC
