MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người phụ nữ đột nhiên nhận thông báo nợ xấu 285 triệu đồng từ 3 năm trước, ngân hàng tung bằng chứng: “Chữ ký bảo lãnh của cô vẫn còn đây”

26-04-2025 - 21:02 PM | Sống

Ngân hàng đã tung bằng chứng có chữ ký của người phụ nữ này và khẳng định cô phải chịu trách nhiệm.

Theo 163, năm 2016, tại Hồ Nam, Trung Quốc, Tạ Phương đứng trước một quyết định khó khăn. Người yêu cũ của cô mắc bệnh hiểm nghèo. Trong khi đó, gia đình anh lại không đủ chi phí để chữa trị. 

Nhờ chính sách vay vốn khởi nghiệp không lãi suất trong ba năm đầu, ông Tôn – bố của người yêu cũ – đăng ký vay 80.000 NDT nhằm có tiền lo cho con. Là giáo viên biên chế, Tạ Phương đủ điều kiện bảo lãnh khoản vay. Với tình yêu và mong muốn cứu người mình yêu, cô đồng ý đứng ra bảo lãnh. Số tiền vay được dùng để chữa bệnh, tiếc thay, anh không qua khỏi và qua đời vào tháng 12 cùng năm.

Tạ Phương đau buồn vì mất người yêu, còn gia đình ông Tôn cũng xót xa vì mất con. Dù vậy, mối quan hệ giữa hai bên vẫn rất tốt. Ông Tôn và vợ, bà Phương Quỳnh, coi Tạ Phương như con gái. Đáp lại tình cảm đó, cô cũng thường xuyên nhắn tin hỏi thăm gia đình người yêu cũ. Thậm chí khi Tạ Phương kết hôn, sinh con, hai ông bà còn gửi quà mừng.

Cú sốc từ khoản nợ bất ngờ

Năm 2019, khi đang ở nhà chăm con, Tạ Phương bất ngờ nhận được cuộc gọi thông báo nợ xấu từ ngân hàng. Số tiền nợ là 80.000 NDT (khoảng 285 triệu đồng). Nghi ngờ về khoản vay này, cô trực tiếp đến ngân hàng để xác minh. Sau khi nhìn chữ ký trên hợp đồng vay tiền, cô mới nhớ ra sự việc từ 3 năm trước. 

Người phụ nữ đột nhiên nhận thông báo nợ xấu 285 triệu đồng từ 3 năm trước, ngân hàng tung bằng chứng: “Chữ ký bảo lãnh của cô vẫn còn đây”- Ảnh 1.

Tạ Phương không ngờ gia đình người yêu cũ đã từ chối việc trả nợ

Tạ Phương lập tức liên lạc với ông Tôn, yêu cầu ông trả nợ. Tuy nhiên, ông viện đủ lý do để thoái thác: tuổi cao sức yếu, không có tiền, vừa phẫu thuật. Bất lực, Tạ Phương nhờ đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng với hy vọng thông qua hòa giải có thể hoàn tất vụ việc.

Cô đã tìm đến nhà ông Tôn, nhưng cửa đóng then cài. Khi gọi điện, ông lấy cớ sóng yếu rồi cúp máy. Không bỏ cuộc, cô tìm đến tận quê. Đối mặt với Tạ Phương và cơ quan chức năng, ông Tôn khẳng định số tiền vay là do con trai và Tạ Phương bàn bạc. Ông chỉ đứng ra làm thủ tục theo ủy quyền. Ông nhấn mạnh mình là một lão nông, không biết gì về khoản vay. Nếu không có sự hướng dẫn của con trai và Tạ Phương, ông sẽ không thực hiện khoản vay này. Ông còn phủ nhận việc số tiền được dùng để chữa bệnh. Thay vào đó, ông cho rằng Tạ Phương cùng con trai đã sử dụng số tiền này để đầu tư và cô cũng được chia lợi nhuận. Do Tạ Phương và con trai tiêu hết, nên ông không liên quan đến việc này.

Tạ Phương tức giận vì bị hiểu lầm. Cô khẳng định mình bảo lãnh hoàn toàn vì tình yêu và mong muốn cứu người yêu, không hề có mục đích khác. 

Để có thể nhanh chóng thanh toán được khoản nợ này, Tạ Phương tiếp tục tìm đến bà Phương Quỳnh, vợ ông Tôn, để thương lượng. Tuy nhiên, bà không những không hợp tác mà còn quay sang đổ lỗi cho cô. 

Bà thừa nhận Tạ Phương từng dùng tiền để chữa bệnh cho con trai. Tuy nhiên bà cho rằng con của bà đã cho cô nhiều hơn. Thậm chí, con bà còn bỏ tiền mua xe cho Tạ Phương. 

Cô phản bác rằng chiếc xe là do cô tự mua, người yêu cũ chỉ góp 30.000 NDT. Thậm chí, người phụ nữ này còn chỉ trích Tạ Phương, nói rằng chỉ ba tháng sau khi con trai qua đời, cô đã kết hôn, sinh con và ít thăm hỏi gia đình họ. Cuối cùng, bà khẳng định không có tiền và không trả nợ.

Nỗ lực cuối cùng và bài học đắt giá

Hết cách, Tạ Phương liên lạc với Tôn Thiên - em gái của người yêu cũ - người có điều kiện khá giả. Tuy nhiên, Tôn Thiên từ chối can thiệp, cho rằng đây là chuyện giữa Tạ Phương và bố cô.

Không còn cách nào khác, Tạ Phương quyết định gặp lại ông Tôn để thương lượng lần cuối. Ban đầu, vợ chồng cô đề nghị chịu 20.000 NDT, ông Tôn chịu phần còn lại. Tuy nhiên, ông Tôn chỉ đồng ý trả 1/2. 

Cuối cùng, sau khi tham khảo ý kiến chuyên viên hòa giải, Tạ Phương nhận ra việc kiện tụng khó khả thi vì ông Tôn không có tài sản, chỉ sống dựa vào khoản tiền trợ cấp của các con. Không còn lựa chọn, Tạ Phương và chồng chấp nhận thỏa thuận mỗi bên chịu một nửa khoản nợ. Cô vay mượn họ hàng, bạn bè để trả phần của mình là 40.000 NDT. 

Câu chuyện của Tạ Phương là bài học đắt giá về sự cẩn trọng khi đứng ra bảo lãnh khoản vay. Vì cứu giúp, cô vô tình rơi vào cảnh nợ nần không đáng có. Đây cũng là lời nhắc nhở về việc lòng tốt cần đi kèm với sự tỉnh táo và cân nhắc kỹ lưỡng.

Đinh Anh

Đời sống pháp luật

Trở lên trên