Nỗi lo của Iran và hình thức đàm phán lạ thường với Mỹ: Vào 2 phòng riêng biệt, trao đổi qua trung gian
"Mối lo của Iran không chỉ là ký một thỏa thuận mà còn là một thỏa thuận có các điều kiện nhằm ngăn cản nó đơn phương bị hủy bỏ", chuyên gia cho hay.
- 19-04-2025Lý do khiến Tổng thống Mỹ Trump làm điều bất ngờ với Iran
- 15-03-2025Mỹ ra chỉ thị nóng "đàm phán hoặc vũ lực" với Iran: Trung Quốc, Nga lập tức hành động bảo vệ Tehran
Cuộc họp gián tiếp tại Đại sứ quán Oman ở Ý
Iran và Mỹ đã kết thúc vòng đàm phán mới vào ngày 19/4 tại Rome, một diễn biến mà các quan chức Iran mô tả là bước tiến, mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo vào tuần tới. Các cuộc đàm phán hôm 19/4 đã diễn ra tại đại sứ quán Oman ở thủ đô của Ý.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đã đưa ra đánh giá thận trọng sau khi rời khỏi các cuộc đàm phán gián tiếp với đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff. "Không có lý do gì để quá lạc quan, và cũng chẳng có lý do gì để quá bi quan", ông Araghchi nói với phương tiện truyền thông nhà nước Iran.
Wall Street Journal (WSJ) dẫn nguồn thạo tin cho biết: Sự kiện bắt đầu bằng các cuộc thảo luận gián tiếp do các quan chức Oman làm trung gian, trong đó hai bên ở các phòng riêng biệt. Tuy nhiên, sau đó 2 ông Araghchi và Witkoff đã gặp trực tiếp và thảo luận trong 45 phút.
Hình thức đàm phán gián tiếp là yêu cầu do Tehran đưa ra. "Đàm phán gián tiếp tạo điều kiện đánh giá mức độ nghiêm túc của Washington về một giải pháp chính trị với Iran", Reuters dẫn nguồn quan chức cấp cao của Iran cho biết.
Theo nguồn tin của Axios, chính quyền Mỹ hài lòng với vòng đàm phán đầu tiên tại Oman và là bên đưa ra yêu cầu thay đổi địa điểm đàm phán sang Rome.
Nỗi lo của Iran
Trước cuộc họp hôm 19/4, Iran đã lên kế hoạch trình bày một loạt các đề xuất cho hiệp ước hạt nhân mới, bao gồm yêu cầu chính quyền ông Trump đảm bảo rằng Mỹ sẽ không rời khỏi thỏa thuận trong tương lai, nguồn tin của WSJ cho hay.
Theo nguồn tin của WSJ, như một phần của bảo đảm, Iran muốn Mỹ bù đắp tổn thất của Tehran nếu Washington rút khỏi một thỏa thuận. Ý tưởng về một hình phạt tài chính nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận đã được Iran đưa ra cho các quan chức chính quyền Biden nhưng không đi đến đâu.
"Mối lo của Iran không chỉ là ký một thỏa thuận mà còn là một thỏa thuận có các điều kiện nhằm ngăn cản nó đơn phương bị hủy bỏ", Mohamed Amersi, chuyên gia cố vấn của Trung tâm Wilson(Mỹ) cho biết.
Đề xuất của Iran về các bảo đảm phản ánh kinh nghiệm của nước này với thỏa thuận hạt nhân năm 2015 do chính quyền ông Obama đàm phán, theo đó Iran hạn chế làm giàu hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt.
Khi chính quyền Obama và các cường quốc thế giới khác đàm phán thỏa thuận năm 2015 (JCPOA) với Iran, thỏa thuận này được thành lập dưới hình thức "kế hoạch" thay vì một hiệp ước, mà Nhà Trắng tính toán có thể không nhận được hai phần ba số phiếu cần thiết của Thượng viện để thông qua.
Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận vào năm 2018, gọi đó là "một trong những giao dịch tồi tệ nhất và một chiều nhất mà Mỹ từng tham gia".

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ý định rút Mỹ khỏi JCPOA tại Nhà Trắng ngày 8/5/2018. Ảnh: Reuters/Jonathan Ernst
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, Mỹ và Iran cũng đàm phán để tìm cách khôi phục thỏa thuận năm 2015, trong đó yêu cầu chính của Iran là đảm bảo từ phía Mỹ. Cuộc đàm phán này cuối cùng đã thất bại. Mỹ sẵn sàng đưa ra cam kết không rời bỏ thỏa thuận nhưng nhiều lần nói với Iran rằng, không chính quyền nào có thể ràng buộc các quyết định của một tổng thống và quốc hội tương lai.
"Đây là vấn đề đã đánh chìm khả năng quay trở lại JCPOA của chúng tôi", Richard Nephew - thành viên đàm phán của Mỹ với Iran trong chính quyền Biden cho biết, đề cập đến thỏa thuận năm 2015, được gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung. "Ngay cả các hiệp ước cũng có các điều khoản rút lui vì lý do an ninh quốc gia".
Các quan chức lập luận rằng Washington không thể đưa ra bảo đảm vì họ cần có thể linh hoạt rút khỏi thỏa thuận nếu Iran có hành động thù địch chống lại lợi ích của Mỹ cùng đồng minh hoặc vi phạm các điều khoản.
Các quan chức này cho rằng, hy vọng tốt nhất mà Iran có để duy trì sự ủng hộ lâu dài của Mỹ đối với một thỏa thuận là Tehran phải tuân thủ một thỏa thuận hạn chế nghiêm ngặt chương trình hạt nhân của mình trong khi tránh các chính sách gây hấn trong khu vực.
Ngoài các đảm bảo, Iran dự kiến sẽ bàn cách quản lý kho dự trữ uranium làm giàu hiện tại của họ theo một thỏa thuận. Họ cũng có kế hoạch thảo luận về tiến trình dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế và hy vọng tổ chức một chuyến thăm cấp cao tới Washington, các quan chức Iran và Ả Rập cho biết.
Điều Mỹ muốn và điều Iran không chấp nhận
Iran khẳng định chương trình của họ là vì mục đích hòa bình, nhưng lâu nay Mỹ vẫn cáo buộc Tehran đang chuẩn bị phương án phát triển vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh rằng chương trình này phải bị phá bỏ hoặc phải tuân theo các giới hạn nghiêm ngặt.
Trong các bình luận hôm 14/4, ông Witkoff cho rằng chính quyền ông Trump sẽ cho phép Iran duy trì làm giàu ở mức cao nhất là 3,67% nếu họ chịu cơ chế xác minh nghiêm ngặt và các bước khác nhằm ngăn Iran có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, hôm 15/4, ông Witkoff tuyên bố: Iran phải đồng ý "dừng và xóa bỏ chương trình làm giàu, vũ khí hóa hạt nhân".
Sau cuộc họp hôm 19/4, phát ngôn viên của ông Witkoff từ chối bình luận về bất kỳ yêu cầu nào mà phía Iran có thể đưa ra trong các cuộc đàm phán.
"Tổng thống [Mỹ] đã nói rõ: Iran không thể có chương trình làm giàu hoặc vũ khí hạt nhân", người phát ngôn cho biết. "Khi tiếp tục đàm phán, chúng tôi hy vọng sẽ tinh chỉnh được khuôn khổ và lộ trình để hướng tới một thỏa thuận đáp ứng các mục tiêu của tổng thống một cách hòa bình".
Trong khi đó, trợ lý cấp cao của Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, ông Ali Shamkhani nhấn mạnh rằng một thỏa thuận cần bao gồm "các đảm bảo, cân bằng, không đe dọa, tốc độ, dỡ bỏ lệnh trừng phạt... kiềm chế những thành phần gây rối và thúc đẩy đầu tư" trong bài đăng trên X trước thềm đàm phán 19/4.
Ông Shamkhani tuyên bố, Iran sẽ không chấp nhận dỡ bỏ chương trình hạt nhân của mình theo cách mà Libya đã đồng ý năm 2003 và được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ủng hộ.
Khi đó, Libya đã đồng ý tự nguyện từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình theo một thỏa thuận với phương Tây, dẫn đến việc phá hủy toàn bộ cơ sở hạt nhân dưới sự giám sát của Mỹ và các tổ chức quốc tế.
Iran cũng sẽ không chấp nhận cách tiếp cận mà Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất áp dụng, trong đó quốc gia này vận hành các lò phản ứng hạt nhân nhưng không làm giàu uranium và phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.
Iran đã đẩy mạnh chương trình hạt nhân sau khi ông Trump rút khỏi hiệp ước hạt nhân và hiện đang sản xuất 60% urani làm giàu ở mức cao. Vật liệu này có thể nhanh chóng được chuyển đổi thành vật liệu cấp 90% cần thiết để chế tạo bom.
Về việc dự trữ nhiên liệu dư thừa phát sinh từ việc cắt giảm làm giàu hạt nhân, Tehran sẵn sàng để Nga quản lý các kho dự trữ của mình, WSJ tiết lộ. Các kho dự trữ hiện đang được cơ quan nguyên tử của Liên hợp quốc giám sát.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Iran cho biết các nhóm chuyên môn của cả hai bên sẽ tổ chức các cuộc đàm phán vào tuần tới và các quan chức cấp cao hơn cũng sẽ gặp gỡ. Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục do Oman làm trung gian và tổ chức.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Oman, hai bên đã sẵn sàng chuyển sang giai đoạn thảo luận mới và Muscat sẽ là địa điểm cho vòng đàm phán tiếp theo.
"Giai đoạn này nhằm đạt được một thỏa thuận ràng buộc và lâu dài đảm bảo Iran từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt và bảo vệ quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình", Bộ Ngoại giao Oman cho biết.
Cuối tuần trước, ông Araghchi đã tổ chức các cuộc đàm phán về một thỏa thuận tiềm năng với ông Witkoff, do Oman chủ trì. Đây là những cuộc đàm phán cấp cao nhất giữa Mỹ và Iran trong nhiều năm.
Theo Wall Street Journal, Axios
Đời Sống Pháp Luật