MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nỗi oan” của PNJ trong bão giá vàng

26-04-2025 - 14:50 PM | Doanh nghiệp

“Nỗi oan” của PNJ trong bão giá vàng

"Giá vàng tăng mạnh khiến ai cũng nghĩ PNJ hưởng lợi. Nhưng chúng tôi không kinh doanh vàng miếng, mà kinh doanh trang sức".

Sáng ngày 26/4, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2025, thông qua kế hoạch doanh thu 31.607 tỷ đồng, thấp hơn 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế dự kiến gần 1.960 tỷ đồng, giảm 7% so với mức kỷ lục của năm ngoái.

Quý 1/2025, PNJ đạt doanh thu 9.635 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 678 tỷ đồng; tương đương gần 35% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Theo PNJ quý đầu năm sức mua thị trường trang sức suy yếu khi giá vàng tăng cao và nhu cầu tiêu dùng giảm; doanh thu vàng 24K thấp hơn cùng kỳ. Nhờ Công ty tối ưu chi phí vận hành giúp tốc độ giảm lợi nhuận thấp hơn doanh thu.

Phát biểu mở đầu Đại hội, Tổng Giám đốc Lê Trí Thông cho biết đầu năm 2024, thị trường hy vọng có nhiều sự hồi phục của sức mua và chúng tôi nghĩ sức mua sẽ tốt, nhưng thực tế thì lại có nhiều khó khăn.

“Ai cũng nghĩ giá vàng tăng, PNJ sẽ hưởng lợi”

Năm qua, theo ông Thông có rất nhiều “gió lớn và gió ngược” cho ngành vàng bạc trang sức. Đặc biệt, giá vàng tăng cao kỷ lục ngoài dự đoán.

“Ai cũng nghĩ chúng ta sẽ mất rất lâu để chỉnh phục được mốc 2.000 USD/oz, thậm chí không nghĩ có thể lên được mức giá 3.000 USD/oz. Và giá vàng tăng mạnh khiến ai cũng nghĩ PNJ hưởng lợi. Nhưng chúng tôi không kinh doanh vàng miếng, mà kinh doanh trang sức. Do đó, giá vàng tăng khiến chúng tôi bị ảnh hưởng đáng kể, do vàng là nguyên liệu đầu vào của PNJ.

Chưa kể, giá vàng tăng quá nhanh sẽ làm cho sức mua trang sức bị giảm vì giá các sản phẩm đang tăng lên nhanh theo giá vàng trong khi túi tiền người tiêu dùng không tăng nhanh kịp. Nhà đầu tư trước đây có ngân sách 5-7 triệu đồng thì có thể mua món đồ 1 chỉ, thì bây giờ còn chưa tới 1 chỉ nên sức mua sẽ bị khó.

Giá vàng tăng nhanh cũng làm cho tâm lý nhà đầu tư chỉ muốn đi mua rồi cất giữ chứ không đi bán, nên khi không có người bán thì nguồn cung vãng lai sẽ bị suy giảm nhiều. Kết hợp với việc mua bán hôm nay có nhiều các bước kiểm tra xác thực khách hàng nên cũng làm giảm tỷ lệ người mua bán”.

“Nỗi oan” của PNJ trong bão giá vàng- Ảnh 1.

Ảnh: Giá vàng thế giới đã vượt 3.300 USD/oz, nguồn: Tradingeconomic.

Dù vậy, CEO PNJ nhấn mạnh đây là bước chuyển của thị trường, sẽ chọn lọc lấy các doanh nghiệp có nền tảng chuyên nghiệp, minh bạch, chất lượng dịch vụ tốt hơn... để phát triển mạnh mẽ hơn sau khúc quanh này.

Riêng PNJ, giai đoạn COVID-19, PNJ đi ngang trong 2 năm rồi sau đó bật nhảy lên vùng doanh số 30.000 tỷ và lợi nhuận ở mức 2.000 tỷ, so với con số trước đó chỉ ở mức dưới 20.000 tỷ doanh số và khoảng 1.000 tỷ lợi nhuận. PNJ theo đó xác định giai đoạn đi ngang này cũng giống như hồi 2019-2021, tức 2024- 2025 sẽ là giai đoạn khúc quanh tích lũy cho PNJ.

Năm 2024, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 37.823 tỷ đồng, vẫn tăng 14% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế 2.113 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ.

Với kết quả đạt được, HĐQT đề xuất chia cổ tức theo đúng kế hoạch 20% bằng tiền mặt. Trong đó, Công ty đã tạm ứng 6% nên còn chi trả thêm 14% thời gian tới, tương ứng còn trả 473 tỷ đồng.

PNJ không đặt chuyện lãi nhờ giá vàng trong việc kinh doanh trang sức

Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung cũng bổ sung ai cũng nghĩ khi giá vàng lên PNJ lời, giá vàng xuống PNJ lỗ, song Công ty tập trung vào mảng trang sức. Bà cho biết thêm ngành vàng/trang sức vẫn khó khăn, với các đơn vị thiếu bản lĩnh là “không có lối ra”. Riêng PNJ vẫn luôn nỗ lực và tìm ra lối đi mới để vượt khó khăn.

Nếu giá vàng lên, Công ty sẽ phương pháp cân bằng lượng vàng và phương án dự trù trong tương lai. Dù vậy, theo bà Dung khi xây dựng kế hoạch, PNJ không nghĩ đến chuyện sẽ lời khi giá vàng lên hay giá vàng xuống, không đặt chuyện lãi nhờ giá vàng trong việc kinh doanh trang sức.

Ban lãnh đạo PNJ nhận định trong nguy có cơ, do đó dù thị trường khó khăn Công ty có kế hoạch mở thêm 12-25 cửa hàng để tận dụng khoảng trống thị trường, nhằm gia tăng sự hiện diện tại các thị trường tiềm năng. Đây là một phần trong mục tiêu có 500 cửa hàng vào 2030.

Song song, PNJ cũng sẽ nâng công suất nhà máy trang sức từ 4 triệu lên 5 triệu sản phẩm mỗi năm, sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường hồi phục.

Năm nay, PNJ dự kiến ra mắt thương hiệu Mancode by PNJ dành cho tệp khách hàng mới nam giới. "Chúng tôi có công ty sản xuất 4-5 triệu sản phẩm, nhưng tôi vẫn chưa hài lòng, phải làm gì mới hơn. Chúng tôi đã thay đổi lãnh đạo công ty sản xuất để làm sao để có đà rồi thì phải bắt kịp thị trường, đổi mới sáng tạo hơn", bà Dung nói.

Về kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), Công ty dự kiến phát hành với tỷ lệ 0,96% trên tổng số cổ phần đang lưu hành, tương đương với 3,24 triệu cổ phiếu. Giá ưu đãi 20.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mức trên 70.000 đồng hiện nay. Đối tượng là thành viên HĐQT, ban điều hành, cố vấn cao cấp, quản lý, chuyên gia và nhóm nhân sự chủ chốt.

Tại Đại hội, Công ty cũng bổ sung tờ trình mua lại tối đa khoảng 8 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 2,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Mục đích nhằm bảo vệ lợi ích cổ đông và giá trị doanh nghiệp trước các biến động mạnh của thị trường.

“Nỗi oan” của PNJ trong bão giá vàng- Ảnh 2.

Ảnh: ĐHĐCĐ PNJ.

Thảo luận tại Đại hội

1. Kế hoạch mở mới cho năm 2025 ? Công ty dự kiến kinh doanh các mặt hàng mới cụ thể là mặt hàng nào?

CEO Lê Trí Thông: Kế hoạch mở mới đang chuẩn bị theo nhiều kịch bản, dao động từ 12 đến tối đa 25 cửa hàng. Các biến số sẽ phụ thuộc vào sức mua của nền kinh tế để PNJ cân nhắc, trong điều kiện thuận lợi nhất sẽ mở 25 cửa hàng ở khu vực tiềm năng, còn nếu sức mua thấp thì vẫn có khả năng mở mới để đón đầu tăng trưởng.

Về sản phẩm mới, chúng ta mới tung ra Mancode by PNJ và đang được đón nhận rất tốt, tốc độ tăng trưởng gấp 3 lần cho nhóm khách hàng mới này. Sản phẩm cho nam giới, đã xuất hiện trong hơn 10 điểm bán. Chúng tôi đánh giá sản phẩm vẫn có tiềm năng mở rộng, thậm chí có khả năng sẽ mở được cửa hàng độc lập riêng.

Dù vậy, Mancode chỉ là bước đầu tiên trong mô hình lifestyle dành cho nam giới. Công ty còn có kế hoạch đầu tư với 1 số startup để tiếp cận một số thương hiệu thời trang quốc tế, nhằm tăng số lượng sản phẩm trong mảng kinh doanh mới. Năm nay PNJ có thể có thêm các hợp tác quốc tế tuy nhiên chưa thể công bố chi tiết bởi cam kết bảo mật thông tin. Dự kiến cuối quý 2 và đầu quý 3, PNJ sẽ giới thiệu các hợp tác quốc tế về ngành hàng nam trang và thời trang. Công ty đã ký hợp đồng phân phối cho nhãn hàng cao cấp nam của Italia.

2. Trước biến động khó lường của giá vàng thì PNJ có các công cụ xử lý nào? Có phát triển dòng trang sức khác để không phụ thuộc vàng không?

CEO Lê Trí Thông: Hiện tại, thị trường không có công cụ phái sinh, không có câu chuyện mua vàng theo giá tương lai. Để quản trị rủi ro thì PNJ phải cân đối dòng vào và dòng ra, nghĩa là lượng hàng bán ra và mua vào nguyên liệu.

Chúng ta không giới hạn mức độ bị ảnh hưởng của giá vàng lên xuống thông qua tổng lượng tồn kho và giá trung bình tồn kho, đây là bài toán cân đối rất kỹ lưỡng.

Công ty không bán theo giá cố định hoàn toàn, mà khi giá lên sẽ điều chỉnh giá, nếu vượt qua mức chịu đựng thì điều chỉnh giá để bảo vệ khách hàng.

Chúng tôi không phải nhà đầu cơ, chúng tôi tập trung vào trang sức, chúng tôi bán giá trị gia công thiết kế.

3. Vì sao Công ty không cập nhật kết quả theo tháng như trước?

Bà Trần Phương Ngọc Thảo – Phó Chủ tịch HĐQT: Đúng là trong kỳ vừa qua, có một số chỉ số tài chính như biên lợi nhuận gộp, có sự biến động mạnh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Công ty chúng tôi hoạt động đa ngành từ kinh doanh vàng miếng, bán lẻ, đến các sản phẩm tài chính chuyên sâu. Mỗi mảng đều có đặc thù và mức độ biến động riêng.

Do đó, việc đánh giá dựa trên số liệu tháng có thể chưa phản ánh đúng bản chất vận hành kinh doanh, dễ gây hiểu lầm và ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu.

Thay vì phân tích đơn lẻ theo từng tháng, tôi mong cổ đông và nhà đầu tư nhìn vào kết quả kinh doanh theo quý hoặc năm – đó mới là góc nhìn hợp lý để đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty.

Bà Cao Thị Ngọc Dung bổ sung: Về câu chuyện sản xuất – kinh doanh, đặc biệt là liên quan đến mặt hàng vàng, thì rất nhạy cảm. Giá vàng lên xuống trong ngày, nguồn nguyên liệu không ổn định, nên đôi khi chúng tôi phải ra quyết định nhanh, ví dụ như tạm dừng sản xuất hay tạm cho công nhân nghỉ. Điều này không phải do thiếu năng lực quản lý, mà là để đảm bảo hiệu quả dài hạn và bảo vệ giá trị doanh nghiệp. Chúng tôi cũng có áp dụng các phương pháp quản trị rủi ro rất chặt chẽ. Quản trị hàng tồn kho, cân đối cung – cầu hay quyết định thời điểm mua vào – bán ra không chỉ dựa vào dữ liệu, mà còn cần tới kinh nghiệm cũng như sự nhạy bén, cảm nhận thị trường. Những yếu tố này thì không phải lúc nào cũng diễn giải được bằng số liệu.

4. Kế hoạch mua lại cổ phiếu khi nào thực hiện?

CEO Lê Trí Thông: Kế hoạch mua lại cổ phiếu trình cổ đông nhằm chuẩn bị trước diễn biến giá cổ phiếu giảm xuống thấp hơn giá trị của doanh nghiệp. Nếu xảy ra Công ty sẽ kịp thời hành động mà không phải tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thông qua.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên