Quên không thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn, người dùng chịu loại phí nào?
Nếu thanh toán dư nợ không đúng kỳ hạn, khoản dư nợ còn lại sẽ phát sinh phí phạt lên tới 5% và lãi suất lên tới 20 - 40%/năm tổng chi tiêu đã sử dụng.
Ngoài những lợi ích thuận tiện trong thanh toán, người dùng thẻ tín dụng cần lưu ý một số vấn đề rủi ro.
Điển hình nhất là việc thanh toán dư nợ thường bị trễ. Khách hàng có nợ tín dụng quá hạn sẽ phải chịu phí phạt thanh toán chậm khoảng 5% và lãi suất khoảng 20 - 40% tùy ngân hàng. Trường hợp xấu hơn, chủ thẻ có thể bị liệt vào danh sách nợ xấu, bị hạn chế mở thẻ tín dụng hoặc vay tiền tại các ngân hàng khác.
Ngoài ra, nhiều khách hàng lầm tưởng rút tiền từ thẻ tín dụng không mất phí. Thực tế, phí rút tiền mặt của thẻ tín dụng thường rất cao, có thể lên tới 4%/khoản giao dịch. Vì thế, chủ thẻ rút khoản tiền càng lớn thì phần tiền hao hụt càng nhiều.
Ngoài ra, nếu khách hàng chẳng may bị mất thẻ tín dụng và không kịp thời khóa thẻ, thông tin của chủ thẻ sẽ có thể bị rò rỉ, giả mạo để sử dụng vay vốn hoặc kẻ cắp có thể đóng giả nhân viên ngân hàng để nhắn tin lừa tiền và tài sản.
Việc sử dụng thẻ tín dụng cũng dễ gây ra "ảo tưởng chi tiêu". Vì tính tiện lợi và nhanh chóng khi thanh toán, chủ thẻ không quản lý tốt tài chính có thể tiêu xài quá trớn, dẫn đến không thể trả được khoản nợ đúng kỳ hạn, bị tính lãi và cộng dồn lên, ngày càng khó trả.
Hiện nay, thủ tục và điều kiện mở thẻ tín dụng khá dễ dàng và đơn giản. Thông thường, khách hàng phải chứng minh thu nhập. Tuy nhiên cũng có một số ngân hàng cho phép mở thẻ tín dụng mà không cần chứng minh thu nhập thông qua tài sản đảm bảo và các giấy tờ thay thế khác như Techcombank, TPBank...
Nếu khách hàng có nợ xấu, việc mở thẻ tín dụng theo căn cứ theo chính sách của từng Tổ chức tín dụng theo theo từng thời kỳ. Tuy nhiên thông thường thì khách hàng đang có nợ xấu sẽ không được cấp thẻ tín dụng. Còn khách hàng đã có lịch sử nợ xấu thì tùy thuộc vào chính sách của từng tổ chức.
Về mức phí mở thẻ tín dụng, đa số các ngân hàng hiện nay đều có chính sách miễn/hoàn phí phát hành thẻ. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, khách hàng có thể vẫn phải chi trả các loại phí như: Phí thường niên, rút tiền mặt, phí giao dịch quốc tế, phí sử dụng vượt hạn mức… nếu sử dụng dịch vụ.
Khách hàng có thể rút được tiền từ thẻ tín dụng với mức rút tối đa trong khoảng từ 50% đến 80% của hạn mức tín dụng được cấp.
Để sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả, khách hàng cần có kế hoạch quản lý chi tiêu hợp lý, không nên sử dụng tối đa hạn mức thẻ, kiểm tra sao kê hàng tháng và hóa đơn thanh toán, thanh toán dư nợ đúng hạn (nên thanh toán trước 2 ngày tránh hệ thống lỗi), thanh toán trong giờ hành chính, không tính cuối tuần/lễ/tết.
Khách hàng nên hiểu rõ các loại chi phí khi sử dụng thẻ, nắm rõ về cách ngân hàng tính lãi suất. Đặc biệt khách hàng nên hạn chế rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.
Để đảm bảo vấn đề bảo mật và an toàn, khách hàng nên ký đè vào hoặc dùng giấy dán che đi số CVV/CVC ở mặt sau của thẻ, không mua hàng online từ những trang web lạ, báo ngân hàng khóa thẻ ngay khi phát hiện mất thẻ, không cung cấp thông tin thẻ tín dụng cho người khác, không nhờ người khác thanh toán phí dư nợ thẻ.
An ninh tiền tệ
- Những điều tôi ước giá như mình biết để tiết kiệm được vài triệu mỗi tháng
- 3 tính năng trên ứng dụng ngân hàng có thể bạn chưa biết để bảo vệ thẻ tín dụng, tránh bị trừ sạch tiền
- Sở hữu khối tài sản hơn 17 tỷ ở tuổi 29, cô gái chia sẻ cách tiêu tiền thoải mái nhưng không lãng phí: "Nên dùng thẻ tín dụng thay vì thẻ ghi nợ"
- Cô gái nợ chồng nợ vì cảm giác “luxury” khi dùng 3 thẻ tín dụng, cư dân mạng nói 1 câu điếng người
- Muốn hủy thẻ tín dụng, chủ thẻ cần chú ý những điều sau để tránh mất tiền "oan"