MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công bố danh mục đầu tư: Chuyện khó nói!

Danh mục đầu tư của các quỹ hay của các công ty chứng khoán luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Nhưng việc công bố, công khai danh mục đầu tư lại luôn gặp rất nhiều thách thức.

Tại đại hội cổ đông của một công ty chứng khoán có thế mạnh trong lĩnh vực đầu tư, trước đề nghị của cổ đông về việc công khai danh mục đầu tư, chủ tịch HĐQT đã đưa ra một số lý do để từ chối, trong đó có nhắc đến việc nếu danh mục được công bố có thể dẫn đến một số dòng tiền sẽ mua đuổi theo, gây khó cho quá trình đầu tư của công ty.

Cái lý của không công khai

Hiện nay, chỉ có một số quỹ ETF là công khai khá rõ ràng danh mục đầu tư của mình bao gồm cổ phiếu nào, chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong tổng giá trị… Các loại hình quỹ khác như quỹ đầu tư vốn tư nhân (private equity) hay một số quỹ đóng chuyên đầu tư cổ phiếu niêm yết thì công bố khá vô chừng và nhỏ giọt.

Thông thường các quỹ này sẽ công bố một số khoản đầu tư chủ chốt của mình giống như để chứng tỏ năng lực và chất lượng, chứ không công bố toàn bộ. Cũng có trường hợp quỹ chỉ lâu lâu mới công bố một thương vụ đầu tư lãi lớn. Thông tin thường nhật là giá trị tài sản ròng của các quỹ qua từng thời điểm. Một số công ty chứng khoán, hay doanh nghiệp đầu tư tài chính cũng tiến hành công bố danh mục của mình với các khoản đầu tư lớn, các công ty trở thành công ty liên kết.

Do các quỹ ETF thường đầu tư vào những cổ phiếu có vốn hóa lớn, được nhiều người chú ý, và một số theo hình thức quỹ mở nên việc các quỹ này công bố khá rõ danh mục đầu tư cũng là điều dễ hiểu nhưng vấn đề có thể xuất hiện với một số quỹ khác. Chẳng hạn, nếu công bố quá rõ danh mục đầu tư, thì chính quỹ đầu tư cũng có thể trở thành mục tiêu thâu tóm, mà điều này thì không ai muốn cả.

Hoặc trường hợp các quỹ đầu tư cạnh tranh với nhau trong các thương vụ, nên việc không công bố cũng để tránh sự dòm ngó của các quỹ khác. Hay như việc doanh nghiệp nhận nguồn vốn đầu tư để triển khai các chiến lược kinh doanh đôi khi cũng không muốn thông tin công bố rộng rãi, để bảo mật hoạt động. Thực ra, ngay chính các ETF đôi lúc cũng gặp khó do công khai danh mục của mình, dẫn đến việc có thể bị một số quỹ hay nhà đầu tư khác mua trước đón đầu, đến khi mua thì phải mua giá cao.

Minh bạch có nhiều cách

Thị trường có thể là một nguyên nhân tác động đến việc nhà đầu tư mong muốn nhìn kỹ hơn danh mục đầu tư. Khi thị trường thuận lợi, danh mục nào cũng sinh lãi, tất nhiên nhà đầu tư rất vui vẻ, thậm chí những nhà quản lý còn nhanh nhẩu công bố để chứng minh thành tích, năng lực của mình. Nhưng khi thị trường bất lợi, một số quỹ thua lỗ, thì việc công bố danh mục sẽ gặp không ít các thách thức.

Nói một cách công bằng, thì quỹ đầu tư cũng không thể đầu tư thương vụ nào cũng chính xác, có những thương vụ kém hiệu quả, việc công bố ra chắc chắn sẽ làm giảm uy tín của các nhà quản lý quỹ. Nhưng rõ ràng, nếu không công bố cụ thể, thì nhìn giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ giảm, hẳn những ai bỏ tiền vào quỹ cũng hết sức "nóng mặt". Nhiều trường hợp, giả sử thị trường chung chỉ giảm 10%, nhưng NAV của quỹ lại giảm 15 - 20% thì rõ ràng nhà đầu tư có lý do để chất vấn về chất lượng hoạt động của quỹ.

Việc không thể công khai danh mục không có nghĩa là các quỹ có thể im lìm, phớt lờ yêu cầu của các quỹ đầu tư. Thực ra cũng có khá nhiều cách để nắm bắt được danh mục của các quỹ. Khi mua vào, nếu là cổ đông lớn, các quỹ sẽ phải tiến hành công bố thông tin. Nhưng gặp trường hợp các quỹ "chẻ nhỏ" ra mua chỉ vài phần trăm thì việc cập nhật cũng khó khăn.

Nếu không công bố cụ thể từng danh mục, các nhà quản lý quỹ cũng có thể công bố về định hướng đầu tư của mình, và đây cũng là cơ sở để nhà đầu tư có thể đoán biết cũng như cập nhật tình hình hoạt động của quỹ. Chẳng hạn, quỹ công bố đầu tư vào những ngành nào, tiêu chí doanh nghiệp như thế nào, thì có thể căn cứ trên hoạt động, diễn biến của nhóm ngành này để từ đó phán đoán xem danh mục của quỹ có tích cực hay không.

Chẳng hạn quỹ đầu tư công bố đầu tư vào nhóm ngành hàng tiêu dùng, thì sau một khoảng thời gian nhìn vào các số liệu tăng trưởng của ngành này, có thể phần nào phán đoán được chất lượng của những khoản đầu tư của quỹ. Vấn đề quan trọng hơn là các quỹ cần phải thể hiện tính nhất quán, minh bạch trong công bố cũng như sự tận tâm trong hành động để chứng minh với các nhà đầu tư qua đó tạo sự yên tâm.

Theo Khiêm An

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên