Xúc động thư gửi gia đình của nữ bác sĩ trẻ giữa chiến tranh ác liệt hơn 60 năm trước: “Đợi ngày thống nhất, con được về sống trong tình thương yêu của ba má”
Bức thư của Đặng Thùy Trâm là một trong những hiện vật quý giá hiện đang được trưng bày trong chuyên đề "Ký ức ngày thống nhất" tại Bảo tàng Hà Nội.
- 26-04-2025Lý do cựu binh 75 tuổi ở Đắk Lắk chạy xe máy 330 cây số dự đại lễ 30/4
- 23-04-2025"Búp măng non" yêu nước chiếm sóng mạng xã hội, ai nấy xúc động trước tinh thần đáng yêu mùa lễ 30/4-1/5
- 23-04-2025Dự báo thời tiết các điểm du lịch trên cả nước trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5

Những ngày tháng Tư lịch sử, cả nước hướng về mốc son chói lọi của dân tộc: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Nửa thế kỷ nhìn lại, có quá nhiều khoảnh khắc lịch sử khiến chúng ta bồi hồi và biết ơn, mỗi bước chân độc lập hôm nay đều gắn liền với những hy sinh không thể đong đếm. Giữa lằn ranh sống chết, người lính ra trận mang theo cả nỗi nhớ quê hương, bóng dáng người thân và một lòng quyết tâm gìn giữ từng tấc đất quê nhà.
Ngày ấy, chỉ một cánh thư, một mẩu tin cũng đủ khiến người ở lại nghẹn ngào, người nơi tiền tuyến gắng gượng thêm một lần ra trận. Những trang nhật ký nhàu nát, nhuốm màu bom đạn, lại chính là nơi người ta gửi gắm yêu thương, khắc ghi những điều thiêng liêng không nói thành lời. Giờ đây, giữa những năm tháng hòa bình, chúng ta được đọc lại những dòng chữ ấy, như được nắm tay những người đã khuất, như được lắng nghe nhịp đập của những trái tim trẻ đầy nhiệt huyết giữa chiến tranh.

Không gian chuyên đề "Ký ức ngày thống nhất" tại Bảo tàng Hà Nội
Bức thư của Đặng Thùy Trâm là một trong những hiện vật quý giá đang được trưng bày trong chuyên đề "Ký ức ngày giải phóng" tại Bảo tàng Hà Nội. Chuyên đề này hiện thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng Thủ đô, đặc biệt là các gia đình và giới trẻ. Lá thư vô cùng xúc động được bác sĩ, liệt sĩ Đăng Thùy Trâm viết gửi gia đình khoảng sau Tết năm 1964, khi cô đang công tác tại Đức Phổ (Quảng Ngãi), giữa lúc chiến tranh ác liệt. Lá thư không chỉ đơn thuần là lời thăm hỏi của người con xa nhà mà còn là bức chân dung sống động về một thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lý tưởng, đầy nghị lực.
"Con dù ở đâu trong hoàn cảnh nào cũng nhớ về ba má và gia đình"
Đặng Thùy Trâm mở đầu bức thư bằng nỗi nhớ gia đình được khẳng định da diết như thế. Trong thư, bằng giọng kể mộc mạc, nữ bác sĩ trẻ tái hiện cái Tết nơi chiến trường với đầy đủ thư từ, quà bánh của đồng đội, rồi kẹo Mỹ, radio Nhật... nhưng sâu bên trong, cô vẫn thấy "thiêu thiếu". Một khoảng trống trong tâm hồn không gì khỏa lấp nổi.
"Vậy mà rồi cũng vấn thấy thiêu thiếu, thiếu một bữa cơm chiều 30 Tết mà làm món bóng, món giò hầm miến và món nộm, thiếu những lúc bận rộn chuẩn bị trang hoàng nhà cửa..." , Đặng Thùy Trâm viết.

Bức thư và một số kỷ vật của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hiện được trưng bày phục vụ công chúng tại Bảo tàng Hà Nội, đến hết 4/5
Sự "thiêu thiếu" ấy rõ ràng không phải vật chất, mà là tình thân. Trong cái "đủ đầy", Đặng Thùy Trâm lại da diết nhớ những điều giản dị như bữa cơm cả nhà quây quần chiều cuối năm. Trong thư, Đặng Thùy Trâm nhiều lần bày tỏ nỗi lo lắng cho ba má ở miền Bắc: Không biết ngoài đó đời sống có khó khăn gì không, chiến tranh tàn phá có làm gia đình thêm vất vả không. Chị khắc khoải tự trách mình "chẳng giúp đỡ gì cho gia đình cả" và ước ao "gửi về ba má một chút ít gì gọi là quà của một đứa con gái".
Đặng Thùy Trâm sinh năm 1942 trong một gia đình trí thức Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, cô tình nguyện vào chiến trường miền Trung, vùng đất khốc liệt bậc nhất thời điểm đó để làm công tác cứu thương cho lực lượng giải phóng. Tình yêu thương gia đình, lòng thảo hiếu và nỗi nhớ nhà trong cô vẫn âm ỉ cháy, dù xung quanh là khói lửa chiến tranh. Đó chính là cội nguồn sức mạnh tinh thần giúp Đặng Thùy Trâm vượt qua những tháng ngày gian khó.
Bác sĩ trẻ ấy không chỉ chữa lành thương tích, mà còn chữa lành cả những nỗi sợ, sự cô đơn cho đồng đội. Trong sổ tay của chị, tên bệnh nhân, ca mổ, những đêm trực được ghi xen kẽ với những vần thơ vụng về nhưng tha thiết.
Bức chân dung đẹp về thế hệ thanh niên "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"
Bên cạnh tình cảm dành cho gia đình, bức thư còn cho thấy những phẩm chất khác của Đặng Thùy Trâm, một chân dung sống động về thế hệ thanh niên Việt Nam thời đó. Những con người "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai". Họ mang trong mình lý tưởng cách mạng cao đẹp, tinh thần kiên cường và một niềm tin mãnh liệt vào tương lai của đất nước.

Chân dung bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm trong kỷ vật của cô được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội
"Cuộc sống ở đây ác liệt nhưng cũng thoải mái thôi, điều sung sướng nhất là được sống giữa tình thương vô bờ bến của rất nhiều người", Đặng Thùy Trâm viết. Những dòng thư cho thấy được sự lạc quan của nữ bác sĩ trẻ đầy nhiệt huyết, dù biết bao hiểm nguy rình rập.
Không chỉ sống tốt cho riêng bản thân, Đặng Thùy Trâm còn nỗ lực cống hiến hết mình cho công việc chung. Trong thư, chúng ta thấy Đặng Thùy Trâm là người rất được tín nhiệm, bệnh xá do cô phụ trách được đề nghị trao tặng Huân chương Giải phóng hạng II - phần thưởng cao quý nhất đối với cấp tỉnh. Dù vậy, Trâm luôn giữ thái độ khiêm nhường: "Con không hề tự kiêu với thành tích đạt được, càng được người ta thương con càng phải cố gắng để xứng đáng với tình thương ấy".

Triển lãm thu hút đông đảo người trẻ cũng như các gia đình tới tham quan
Trên hết, xuyên suốt bức thư, niềm tin vào một ngày mai tươi sáng là tinh thần mà ta cảm nhận được từ Đặng Thùy Trâm. Giữa những gian khổ của chiến tranh ác liệt, giây phút được xum vầy trong ngày thống nhất luôn là nỗi khắc khoải trong lòng bác sĩ trẻ.
"Nhưng thôi, không có cách nào hơn là đợi ngày thống nhất con được về sống trọn trong tình thương yêu của ba má và những người thân yêu trên đất Bắc" , lời hẹn mộc mạc nhưng thể hiện được sức mạnh bền bỉ của thế hệ mà Đặng Thùy Trâm là đại diện tiêu biểu: Kiên cường trong nghịch cảnh, lạc quan giữa những mất mát, và niềm tin bất diệt vào ngày chiến thắng.
Bức thư của Đặng Thùy Trâm không chỉ là một tài liệu lịch sử quý giá mà còn là bức chân dung đẹp đẽ về những con người đã lấy tình yêu để chống lại chiến tranh, lấy ý chí để vượt qua thử thách, và lấy niềm tin để viết nên những trang sử oai hùng cho dân tộc.
Khi thế hệ hôm nay đọc những dòng thư viết dở
Năm 2025, tròn 50 năm thống nhất đất nước, những dòng thư năm nào của Đặng Thùy Trâm vẫn hiện lên như một nhắc nhớ nhẹ nhàng mà day dứt: Tự do hôm nay là từ máu và mồ hôi của những người đã sống và yêu cuộc đời này một cách toàn vẹn. Chúng ta sống trong thời bình, với internet và cà phê mỗi sáng, nhưng đôi khi vẫn có những khoảnh khắc cảm thấy "thiêu thiếu" và lạc lối. Có lẽ vì ta quên mất rằng: Chỉ cần biết vì ai mà sống, sống vì điều gì, thì bất kể gian nan nào cũng trở nên có nghĩa.

Một bạn trẻ xúc động trước những kỷ vật gợi nhớ "ký ức ngày giải phóng" ở Bảo tàng Hà Nội
Chị M. Dương (nhân viên văn phòng) chia sẻ: "Đây là lần thứ 3 mình đến Bảo tàng Hà Nội, những lần xem triển lãm trước thường trưng bày trên không gian tầng 1, hôm nay đến xem "Ký ức ngày Thống Nhất" mới biết không gian bên dưới đẹp thế này. Được tận mắt xem những kỷ vật thời xưa của các chiến sĩ, liệt sĩ, dân quân trong thời kháng chiến mình cảm thấy rất may mắn và xúc động, không phải lúc nào cũng có cơ hội để thăm quan như này. Những ngày tháng Tư lịch sử này, đi xem triển lãm, trưng bày về thời kháng chiến không chỉ tăng thêm hiểu biết mà còn thấy yêu lịch sử, yêu đất nước và biết ơn các anh hùng hơn rất nhiều nữa".
Thu Nga (sinh viên Đại học) chia sẻ: "Thật may mắn khi em được có dịp tận mắt nhìn thấy những dòng nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Trước đây, em cũng được bạn tặng cho một quyển nhật ký của bác sĩ được xuất bản nhưng được nhìn trực tiếp vẫn thấy xúc động lắm ạ. Em thấy đây là một hoạt động rất ý nghĩa, không chỉ chào mừng ngày thống nhất đất nước mà những người trẻ như em cũng có dịp được nhìn lại kỷ vật của các anh hùng xả mình hy sinh vì độc lập của dân tộc".
"Hôm nay em đi dự sự kiện tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội, tình cờ biết đến không gian trưng bày này. Mặc dù không quá rộng nhưng chừng ấy kỷ vật cũng đủ để em nhìn lại được một phần chặng đường gian khổ của ông cha. Em hy vọng sẽ có thêm nhiều triển lãm về lịch sử như này nữa để giới trẻ có thể hiểu thêm về những hy sinh mà các anh hùng đã hy sinh đổi lại nền độc lập cho dân tộc" - Hải Đăng, (sinh viên đại học) tâm sự.
Bức thư của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được mẹ của cô, bà Doãn Ngọc Trâm trao tặng Bảo tàng Hà Nội từ 22/12/2010, cùng với một số kỷ vật khác. Bức thư được viết trên giấy mỏng, kích thước 13,5x10,5cm với màu mực đen sậm, nét chữ nghiêng nhưng rất gọn gàng, nội dung thư tuy ngắn nhưng thể hiện đầy đủ cuộc sống ở trạm xá Đức Phổ khi vừa mới qua Tết.
Năm 2025, kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, người ta lại nhắc về Đặng Thùy Trâm như một biểu tượng bất diệt của những người trẻ đã sống, chiến đấu và yêu thương trong những năm tháng nghiệt ngã nhất của dân tộc.

Nhóm sinh viên đại học tới thăm quan bảo tàng, theo dõi chuyên đề "Ký ức ngày giải phóng"
Bức thư, những dòng nhật ký cùng kỷ vật của Đặng Thùy Trâm đang được trưng bày trong chuyên đề "Ký ức ngày Thống Nhất" tại Bảo tàng Hà Nội. Đây là một trong những chuyên đề ý nghĩa của Bảo tàng Hà Nội kết hợp với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thực hiện nhằm chào mừng ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4-1975 - 30/4/2025). Trưng bày mở cửa đón công chúng từ ngày 12/4 đến hết ngày 4/5.
Tập nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được tìm thấy trong ba lô sau khi chị hy sinh ngày 22/6/1970 tại Đức Phổ (Quảng Ngãi). Người giữ lại cuốn sổ ấy không phải đồng đội, mà là một người lính Mỹ – Frederic Whitehurst. Dù được lệnh đốt bỏ, anh đã lặng lẽ mang nó về Mỹ và gìn giữ suốt 35 năm, rồi trao trả cho gia đình Đặng Thùy Trâm vào năm 2005.
Thanh niên Việt
CÙNG CHUYÊN MỤC
