Gặp Thủ tướng, các Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản phấn khởi thông báo tin vui nhất trong 5 năm qua, đó là gì?
Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản chiều 1/3.
Việt Nam - Nhật Bản thúc đẩy triển khai nhanh các dự án hợp tác trọng điểm

Thủ tướng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại tọa đàm, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cho biết, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có mong muốn và tâm huyết tăng cường đầu tư, giao thương với Việt Nam; các doanh nghiệp đều kỳ vọng sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam thời gian tới, nhất là với kỷ nguyên vươn mình, cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy…
Đại sứ tin tưởng những kết quả đơn giản hoá thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc ra các quyết định, cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ Việt Nam hiện nay sẽ giúp gia tăng đầu tư của Nhật Bản.

Các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ông Ozasa Haruhiko, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội cho biết, qua khảo sát gần đây nhất với các doanh nghiệp Nhật Bản, tầm quan trọng của các thị trường mới nổi đã tăng lên đáng kể và một trong những quốc gia được kỳ vọng nhất là Việt Nam.
Theo đó, hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá có lãi trong năm 2024, cao nhất trong 5 năm qua. Các doanh nghiệp cũng dự đoán tăng trưởng mạnh mẽ, 56% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng hoạt động trong 1-2 năm tới, đứng đầu tại ASEAN và Việt Nam là một trong những quốc gia có động lực phát triển mạnh mẽ nhất.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các ý kiến phát biểu với tinh thần trách nhiệm cao, tình cảm sâu sắc, chân thành, tin cậy, đặc biệt đã trao đổi rất thẳng thắn để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong triển khai các dự án hợp tác.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành tổng hợp, tiếp thu các ý kiến tại tọa đàm, khẩn trương trình ban hành kết luận của Thủ tướng Chính phủ để các bộ, ngành, cơ quan triển khai với tinh thần coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán, "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả" giữa các bên.

Thủ tướng và các đại biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng đề nghị phía Chính phủ, doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quan tâm, thúc đẩy triển khai nhanh các dự án hợp tác trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, mang tính biểu tượng trong quan hệ hai nước, điển hình như dự án hợp tác phóng vệ tinh vào quỹ đạo năm 2025.
Cùng với đó, phía Nhật Bản tăng cường ODA thế hệ mới, mở rộng hơn, tăng quy mô, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để giải ngân nhanh hơn. Đồng thời, Thủ tướng mong các doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra quyết định nhanh hơn và phối hợp với phía Việt Nam hài hòa hóa thủ tục.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tin tưởng, yên tâm hoạt động, mở rộng đầu tư kinh doanh, xác định quan hệ song phương là nền tảng, là bệ đỡ, coi Việt Nam là cứ điểm, là mắt xích quan trọng, xây dựng chuỗi cung ứng, sản xuất tại Việt Nam, không ngừng đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia cũng như mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Các Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản nêu kiến nghị về các dự án hạ tầng giao thông nào?
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp và tổ chức của Nhật Bản, như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng JBIC, các Tập đoàn Moeco, Marubeni, Tokyo Gas, Shimizu, Sumitomo, Hitachi, Nippon Koei, Toyota, Aeon… đã trình bày cơ hội hợp tác, đề xuất kiến nghị trong lĩnh vực giao thông gồm triển khai đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, cao tốc Bắc Nam đoạn Bến Lức - Long Thành, phát triển giao thông vùng ĐBSCL,...
Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo
Chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo mới đây đã được phê duyệt điều chỉnh,
Sau điều chỉnh, dự án này có tổng chiều dài 11,5km gồm 8,9km đi ngầm và 2,6km đi trên cao; có 7 ga ngầm và 3 ga trên cao. Tuyến đường sắt này có 10 đoàn tàu. Dự án này dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành năm 2029 và có 2 năm đào tạo vận hành bảo dưỡng.
Tổng mức đầu tư dự án là gần 35.600 tỷ đồng, tương đương hơn 1.500 triệu USD. Trong đó, vốn ODA vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hơn 29.000 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách TP Hà Nội gần 6.000 tỷ đồng.
Điểm đầu Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài; điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, các đơn vị sẽ triển khai thi công dự án từ năm 2025.
Tuyến số 2 sẽ tạo thành trục xương sống quan trọng, kết nối khu vực nội đô, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và đô thị phía Bắc của Hà Nội. Không chỉ mang lại lợi ích về giao thông và môi trường, tuyến đường sắt đô thị này còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch và kiến trúc đô thị Thủ đô.
Cao tốc Bắc Nam đoạn Bến Lức - Long Thành
Sau 2 đoạn tuyến đã được thông xe, đưa vào khai thác, sẽ có thêm 2 đoạn tuyến tiếp theo của Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tiếp tục hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác vào cuối tháng 4 năm nay.
2 đoạn tuyến được chính thức thông xe gồm có đoạn phía Tây dài 3,4km từ nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (nút giao Mỹ Yên thuộc địa phận huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đến quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) và đoạn phía Đông dài 7km qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, từ nút giao Phước An (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) đến quốc lộ 51 (xã Phước Thái, huyện Long Thành).
Đối với toàn bộ Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, mục tiêu đặt ra là sẽ thông xe, đưa vào khai thác toàn tuyến trong năm 2026.
Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có chiều dài gần 58km, đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành: Đồng Nai, Long An và TP.HCM; được khởi công xây dựng vào tháng 7/2014, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng.
Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối giao thông miền Tây và vùng Đông Nam Bộ, giảm áp lực đáng kể cho giao thông trong vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ.
Đời sống pháp luật
CÙNG CHUYÊN MỤC

Thường trực Chính phủ cho ý kiến về 4 nội dung quan trọng
17:58 , 27/04/2025