MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người đàn ông gửi tiết kiệm hơn 283 tỷ đồng, sau 20 năm đến rút thì bị ngân hàng từ chối: "Xin lỗi nhưng chúng tôi không thể đáp ứng yêu cầu của anh"

18-04-2025 - 16:14 PM | Sống

Người đàn ông gửi tiết kiệm hơn 283 tỷ đồng, sau 20 năm đến rút thì bị ngân hàng từ chối: "Xin lỗi nhưng chúng tôi không thể đáp ứng yêu cầu của anh"

Người đàn ông Trung Quốc vô cùng bức xúc khi ngân hàng liên tục trì hoãn giải quyết yêu cầu rút tiền của mình.

Theo Sohu, anh Lý ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc, là một doanh nhân buôn bán rất thành đạt. Nhờ đầu óc kinh doanh nhạy bén, chỉ trong vài năm, người đàn ông này đã tích lũy được một khoản tiền lớn. Tuy nhiên, việc giữ một lượng tiền mặt lớn tại nhà không phải là phương án an toàn, vì vậy anh Lý đã quyết định gửi toàn bộ số tiền vào ngân hàng.

Lúc này, việc lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng nào lại trở thành bài toán khiến anh Lý đau đầu. Những người xung quanh đưa ra nhiều lời khuyên khác nhau: có người khuyên anh nên chọn ngân hàng lớn để đảm bảo an toàn, trong khi người khác lại cho rằng gửi vào ngân hàng nhỏ sẽ được hưởng lãi suất cao hơn. Sau khi bàn bạc cùng gia đình, mẹ anh Lý đề xuất gửi tiền vào  ngân hàng Bình Đỉnh Sơn ở gần nhà - tuy quy mô nhỏ nhưng lãi suất hấp dẫn và chưa từng gặp sự cố đáng lo ngại. Cuối cùng, anh Lý đồng ý với ý kiến của mẹ và quyết định gửi toàn bộ số tiền vào ngân hàng này.

Ngày đến ngân hàng, người đàn ông này ăn mặc giản dị nên nhân viên không nhận ra đây là một khách hàng tiềm năng. Sau khi nghe anh Lý nói muốn gửi tiết kiệm 40 triệu NDT, nhân viên vội mời anh vào phòng VIP để tiếp đón. Giám đốc ngân hàng Bình Đỉnh Sơn cũng nhanh chóng có mặt để hỗ trợ người đàn ông này gửi tiền.

Sau khi xác minh thông tin cơ bản và đảm bảo số tiền gửi của anh Lý là hợp pháp, ngân hàng bắt đầu tiến hành các thủ tục cần thiết. Nhân viên ngân hàng cũng giới thiệu cho anh một số sản phẩm đầu tư nhưng anh Lý đã từ chối. Họ khuyên anh nên lựa chọn gửi tiết kiệm có kỳ hạn, hoặc chia khoản tiền thành hai phần: một phần gửi có kỳ hạn để được hưởng lãi suất cao, phần còn lại gửi không kỳ hạn để linh hoạt rút khi cần. Tuy vậy, anh Lý vẫn kiên quyết chọn gửi toàn bộ dưới hình thức không kỳ hạn vì muốn có thể rút tiền bất cứ lúc nào.

Để chắc chắn, người đàn ông này còn nhiều lần hỏi lại về khả năng rút tiền linh hoạt và được phía ngân hàng khẳng định điều đó là hoàn toàn có thể. Vì tin tưởng ngân hàng, sau đó không lâu, anh Lý tiếp tục gửi thêm hai khoản tiền nữa vào tài khoản, nâng tổng số tiền tiết kiệm lên 80 triệu NDT (hơn 283 tỷ đồng).

20 năm sau đó, tức vào năm 2020, công việc kinh doanh của anh Lý gặp khó khăn, chuỗi vốn bị đứt gãy. Người đàn ông này quyết định rút toàn bộ số tiền đã gửi tại ngân hàng Bình Đỉnh Sơn để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, khi đến ngân hàng, anh bị nhân viên từ chối với lý do số tiền rút quá lớn, cần phải báo cáo lên cấp trên và yêu cầu anh phải đặt lịch hẹn trước từ 1 đến 3 ngày làm việc. 

Người đàn ông gửi tiết kiệm hơn 283 tỷ đồng, sau 20 năm đến rút thì bị ngân hàng từ chối: "Xin lỗi nhưng chúng tôi không thể đáp ứng yêu cầu của anh"- Ảnh 1.

Ảnh: Sohu

Anh Lý đồng ý làm theo quy trình và đặt lịch hẹn trực tuyến. Phía ngân hàng cũng xác nhận yêu cầu rút tiền trong vòng 3 ngày tới của người đàn ông này. Trong thời gian chờ đợi, anh Lý liên tục bị nhân viên công ty gọi điện thúc giục vì tình hình công ty đang rất nguy cấp, có nguy cơ phá sản. Sau khi trao đổi với kế toán, anh Lý biết được rằng với số tiền hiện có, công ty của anh chỉ có thể cầm cự đến cuối tháng. Nếu ngân hàng tiếp tục trì hoãn, dù có rút được tiền sau đó cũng không còn kịp nữa.

Đến ngày hẹn, anh Lý đến ngân hàng từ sáng sớm với hy vọng rút được toàn bộ tiền. Thế nhưng một lần nữa anh lại bị từ chối. Nhân viên ngân hàng cho biết: “Xin lỗi nhưng chúng tôi không thể đáp ứng yêu cầu của anh. Giấy tờ cần phê duyệt vẫn chưa được cấp trên ký nên anh chưa thể rút toàn bộ số tiền ngay lúc này. Hiện tại, anh có thể rút trước 10 triệu NDT, số còn lại thì đợi lần sau được không ạ?”

Vào thời điểm đó, khoản tiền 10 triệu NDT mà anh Lý được giải ngân chỉ như "muối bỏ bể" so với tổng số nợ của công ty. Không kìm được sự bức xúc, anh đã lớn tiếng chất vấn nhân viên ngân hàng khi không thể rút tiền ngay, đồng thời nhắc lại cam kết trước đó của ngân hàng. Đáp lại, phía nhân viên ngân hàng chỉ im lặng. Nhận thấy việc tranh cãi không mang lại kết quả, anh Lý đành rời khỏi ngân hàng trong sự thất vọng.

Sau đó, để lấy lại số tiền của mình, người đàn ông này đã quay lại ngân hàng Bình Đỉnh Sơn. Tại đây, nhân viên vẫn lấy lý do ngân hàng đang trong thời điểm chốt sổ cuối tháng, các tài khoản đã được tổng kết nên phải chờ thêm vài ngày để xử lý việc rút tiền. Tuy nhiên, anh Lý phản bác lại rằng nguyên nhân thực sự là ngân hàng lo ngại việc khách hàng rút một khoản tiền lớn vào thời điểm cuối tháng sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu, thưởng và lương của nhân viên. 

Người đàn ông gửi tiết kiệm hơn 283 tỷ đồng, sau 20 năm đến rút thì bị ngân hàng từ chối: "Xin lỗi nhưng chúng tôi không thể đáp ứng yêu cầu của anh"- Ảnh 2.

Ảnh: Sohu

Câu nói của anh Lý khiến các nhân viên lộ rõ sự lúng túng. Ngay sau đó, họ lập tức báo cáo sự việc lên lãnh đạo. Khoảng một giờ sau, bà Lôi – giám đốc ngân hàng Bình Đỉnh Sơn đã trực tiếp có mặt, xin lỗi và thừa nhận đây là sơ suất từ phía ngân hàng. Qua trao đổi, bà cũng hiểu được tình hình khó khăn của anh Lý và cam kết sẽ giải quyết vấn đề sớm nhất.

Sau đó, 2 bên đạt được thỏa thuận: ngân hàng sẽ giải ngân đủ 80 triệu NDT trước 10 giờ sáng hôm sau, đổi lại anh Lý không truy cứu trách nhiệm pháp lý sau khi nhận tiền. Sáng hôm sau, anh đã rút được toàn bộ số tiền như cam kết.

Vụ việc sau khi được chia sẻ đã thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc. Đa số đều cho rằng cách làm của ngân hàng Bình Đỉnh Sơn là không đúng. 

Sự việc này cũng là bài học cảnh tỉnh cho những ai có ý định gửi tiền tiết kiệm, đặc biệt là với số tiền lớn. Nếu cần gửi số tiền lớn và muốn sử dụng linh hoạt như anh Lý, nên chọn những ngân hàng lớn và uy tín hơn. Việc ham lãi suất cao ở các ngân hàng nhỏ có thể dẫn đến tình trạng "gửi tiền dễ, rút tiền khó" như trường hợp trên. Dù là ngân hàng lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ nguyên tắc "gửi tiền tự nguyện, rút tiền tự do, gửi tiền có lãi, bảo mật cho người gửi". Khi gặp trường hợp tương tự như anh Lý, mọi người có thể nhờ đến pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

(Theo Sohu)

Ánh Lê

Đời sống và Pháp luật

Trở lên trên