Sacombank thông tin về việc xử lý nợ xấu của đại gia Trầm Bê
Từ năm 2017 cho đến năm 31/12/2024, Sacombank đã thu hồi 25.612 tỷ đồng từ các khoản nợ của ông Trầm Bê và người có liên quan, trong đó có 23.363 tỷ đồng nợ gốc và 2.249 tỷ đồng là lãi. Dư nợ còn lại là 12.037 tỷ đồng, trong đó nợ bán cho VAMC là 10.538 tỷ đồng, các khoản repo và khoản phải thu là 1.454 tỷ đồng.
Hoàn thành 13/14 mục tiêu
Ngày 25/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín ( Sacombank - mã chứng khoán: STB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2025. Tại đại hội, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc Sacombank cho biết, năm 2024 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 12.720 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước và vượt 20% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,08%. Chất lượng tín dụng cải thiện trong bối cảnh rủi ro tín dụng gia tăng.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc Sacombank - phát biểu tại đại hội.
Về công tác xử lý nợ xấu , trong năm qua Sacombank đã thu hồi, xử lý gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nâng lũy kế lên 103.988 tỷ đồng. Nhờ đó, các khoản tồn đọng thuộc đề án tái cơ cấu giảm gần 81% về quy mô và 26% về tỷ trọng so với thời điểm bắt đầu triển khai, hiện chỉ còn chiếm 2,4% tổng tài sản.
Đối với các khoản nợ thuộc Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đã bán đấu giá thành công khoản nợ sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023 với giá bán 7.934 tỷ đồng, cao hơn so nghĩa vụ nợ của khách hàng. Đến nay, Sacombank đã thực thu hồi 1.587 tỷ đồng và dự kiến thu hồi đầy đủ trong năm 2025.
Đối với các khoản nợ đảm bảo bằng cổ phiếu STB của ông Trầm Bê và người có liên quan, Sacombank đã trình các phương án xử lý và đang chờ sự phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước. Sacombank đã trích lập dự phòng 100% đối với dư nợ gốc của khoản nợ xấu trên, cũng như đã thoái hoàn toàn lãi dự thu từ cuối quý II/2022.
Việc xét duyệt để Sacombank xử lý lô cổ phiếu cũng như ghi nhận hoàn thành tái cơ cấu cần có thời gian. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh hiện tại, Sacombank tự tin có thể hoạt động hiệu quả và gia tăng giá trị cho cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng và đối tác.
“Về cổ phiếu ông Trầm Bê, phương án xử lý số cổ phiếu này còn nhiều khó khăn. Nhiều năm trước Sacombank cũng đã trình phương án xử lý nhưng còn nhiều khó khăn nên chưa được phê duyệt. Năm 2024, STB đã trình phương án phù hợp theo quy định pháp luật, đề ra phương án mua lại nợ đã bán cho VAMC và đấu giá lại thông qua công ty độc lập”, bà Diễm nói.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc, khoản nợ của VAMC đang được thế chấp bởi khoản cổ phiếu của ông Trầm Bê, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm khẳng định, Sacombank đã đã trình Ngân hàng Nhà nước phương án xử lý chi tiết, phù hợp để xử lý cổ phiếu ông Trầm Bê và người có liên quan.
“Sacombank đã ra báo cáo với cơ quan thanh tra giám sát, đặc biệt là chánh thanh tra hiện nay đã nghe báo cáo về đề án và giao cho chúng tôi là 14 phương pháp phải xử lý. Chúng tôi đã xử lý được 13/14 mục tiêu của đề án, chỉ còn một cái vấn đề cuối cùng là xử lý nợ xấu của ông Trầm Bê và những người có liên quan”, bà Diễm thông tin.
Tại ngày 31/12/2016, nợ gốc của ông Trầm Bê và những người có liên quan là 35.400 tỷ đồng. Lãi dự thu khoanh theo đề án là 12.919 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 cho đến năm 31/12/2024, Sacombank đã thu hồi 25.612 tỷ đồng, trong đó có 23.363 tỷ đồng nợ gốc và 2.249 tỷ đồng là lãi. Dư nợ còn lại là 12.037 tỷ đồng, trong đó nợ bán cho VAMC là 10.538 tỷ đồng, các khoản repo và khoản phải thu là 1.454 tỷ đồng.

Chủ tọa đoàn đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Sacombank.
Tổng lãi còn phải trả theo hợp đồng đến ngày 31/12/2024 là 57.605 tỷ đồng. Trong đó, các khoản nợ của ông Trầm Bê và người có liên quan được đảm bảo bằng cổ phiếu STB đang được VAMC nhận ủy quyền là 6.611 tỷ đồng và lãi phải trả theo hợp đồng đến 31/12/2024 là 13.450 tỷ đồng. Tổng số lượng cổ phiếu đang đảm bảo cho các khoản vay, các khoản phải thu là gần 605 triệu cổ phiếu. Nợ gốc và repo đã trích lập dự phòng 100%.
Đối với câu hỏi số tiền thu được thuộc về VAMC hay Sacombank thì sau khi xử lý toàn bộ các khoản nợ gốc, các khoản phải thu, Sacombank sẽ trình Ngân hàng Nhà nước. Có thể thấy với khoản lãi treo 57.000 tỷ đồng thì chắc chắc chắn là không bao giờ dư. Sacombank sẽ bán đấu giá công khai minh bạch theo quy định pháp luật.
Không mua Chứng khoán SBS
Về trích lập dự phòng rủi ro, năm 2024, Sacombank đã trích lập 2.623 tỷ đồng dự phòng rủi ro và sử dụng 2.061 tỷ đồng dự phòng để xử lý rủi ro. Hoàn thành trích lập 100% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng chưa xử lý, nâng quy mô bộ đệm dự phòng lên 25.689 tỷ đồng.
Năm 2024, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 12.720 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 10.087 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng này còn hơn 7.013 tỷ đồng cộng với 18.339 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại năm trước, Sacombank có hơn 25.352 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.

Toàn cảnh đại hội cổ đông 2024 của Sacombank.
Để đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động cũng như đáp ứng lợi ích của cổ đông, Hội đồng quản trị Sacombank trình đại hội cổ đông chủ trương tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên có lựa chọn của Sacombank.
Nguồn vốn sử dụng từ nguồn lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế còn lại sau khi thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2024. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Hội đồng quản trị sẽ xây dựng phương án chi tiết, gồm tỷ lệ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức và tỷ lệ phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên. Phương án chi tiết sẽ được lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trước khi triển khai thực hiện các thủ tục, hồ sơ xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Năm 2025, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả 2024. Dự kiến đến cuối năm nay, tổng tài sản đạt 819.800 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Nguồn vốn huy động đạt 736.300 tỷ đồng và dư nợ tín dụng đạt 614.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm khẳng định, Sacombank không có nhu cầu mua lại vốn Công ty Chứng khoán SBS mà lựa chọn công ty chứng khoán mới.
Tiền phong
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>Xem tất cả >>- Vietbank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 55%, tăng vốn điều lệ lên 10.919 tỷ đồng trong năm 2025.
- Chủ tịch Nguyễn Thanh Tùng: Chính sách thuế của Mỹ tác động mạnh đến Vietcombank và mạnh hơn các ngân hàng khác
- ĐHCĐ KienlongBank: Thông qua kế hoạch tăng trưởng 24% trong năm nay và niêm yết cổ phiếu vào quý 4
- Ông Đỗ Minh Phú: TPBank sẽ thay đổi toàn diện, sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận với khách hàng ảnh hưởng bởi thuế quan
- ĐHCĐ BVBank 2025: Mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 41%, vốn điều lệ tăng thêm 1.300 tỷ đồng
CÙNG CHUYÊN MỤC
