Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2025 cao gấp đôi, cổ tức tối thiểu 12%

Trong năm qua, Tổng công ty đã ban hành quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo tái cấu trúc, xây dựng phương án thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu của Petrolimex tại PLC từ 79,07% xuống tỷ lệ từ 51% đến dưới 65%.
- 02-04-2025Hết năm 2024, quỹ bình ổn xăng dầu còn hơn 6.000 tỷ đồng, một nửa nằm ở Petrolimex
- 28-03-2025ĐHĐCĐ bất thường Petrolimex: Thông qua việc sáp nhập TCT Dịch vụ Xăng dầu Petrolimex vào Tập đoàn
- 10-03-2025Petrolimex muốn sáp nhập một tổng công ty vận tải vốn điều lệ 300 tỉ đồng
- 03-03-2025Bán đấu giá phần vốn góp của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đầu tư tại Petrolimex Lào
Ngày 18/4/2025, Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (mã chứng khoán PLC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, thông qua các tờ trình quan trọng.
Lợi nhuận kế hoạch năm 2025 gấp đôi năm 2024
Năm 2024, Tổng công ty đạt sản lượng 373.222 tấn, bằng 101,91% kế hoạch 2024. Doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ đạt 6.932 tỷ đồng, bằng 98,7% kế hoạch 2024, giảm 13% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 70,4 tỷ đồng, bằng 108,3% kế hoạch 2024, giảm 50%.
Đại hội đã thông qua kế hoạch năm 2025 với lợi nhuận trước thuế là 140 tỷ đồng – tăng gấp đôi so với năm 2024 và quay trở lại mức tương đương năm 2023. Tỷ lệ cổ tức tối thiểu 12%.
Thông tin chia sẻ tại đại hội, từ năm 2024, theo quy định, các doanh nghiệp sản xuất dầu nhờn phải có trách nhiệm trong việc xử lý, tái chế sản phẩm đã qua sử dụng. Nếu không thực hiện thu gom, tái chế, doanh nghiệp phải nộp một khoản phí rất lớn. Đến tháng 3/2025, quy định này chính thức có hiệu lực, và PLC đã phải nộp 19,8 tỷ đồng (tương đương 10.400 đồng/kg), thanh toán trong năm 2024.
Nếu không phải chịu khoản phí xử lý tái chế này, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh dầu mỡ nhờn của PLC trong năm 2024 ước tính cao hơn 100 tỷ đồng.

Ông Đỗ Hữu Tạo – Chủ tịch HĐQT PLC cho biết, trong năm qua, Tổng công ty đã ban hành quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo tái cấu trúc, xây dựng phương án thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu của Petrolimex tại PLC từ 79,07% xuống tỷ lệ từ 51% đến dưới 65%. PLC sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án thoái vốn này.
Bên cạnh đó, Tổng công ty đã nghiên cứu, xây dựng phương án và tái cấu trúc Công ty TNHH Hóa chất Petrolimex theo hướng cổ phần hóa.
Về nhân sự, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 thông qua việc miễn nhiệm Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2024-2029 đối với ông Trần Tuấn Linh do yêu cầu công tác và bầu cử thành viên HĐQT mới là ông Nguyễn Đức Long.
Theo tài liệu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) là Cổ đông chi phối của PLC với tỷ lệ sở hữu 79,07% vốn điều lệ, đã đề cử ông Nguyễn Đức Long tham gia ứng cử vào HĐQT PLC. Ông Long hiện giữ chức Phó Tổng giám đốc PLC, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Hóa chất Petrolimex.
Ngoài ra, không có cổ đông hoặc nhóm cổ đông nào khác gửi hồ sơ ứng cử, đề cử người tham gia ứng cử HĐQT của PLC.

Tại đại hội, ban lãnh đạo công ty đã trả lời các câu hỏi, chia sẻ về những khó khăn trong năm 2024 và kế hoạch năm 2025 trong 3 mảng kinh doanh chính: Nhựa đường, Dầu nhờn và Hoá chất.
Các mặt hàng này đều là hàng nhập khẩu. Trước chính sách thuế quan mới của Mỹ, lãnh đạo PLC đánh giá, tỷ giá có thể tăng, các doanh nghiệp sản xuất gia công hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ có thể bị gián đoạn sản xuất.
Trong ngành dầu nhờn công nghiệp, nếu các nhà máy bị gián đoạn sản xuất, sản lượng cũng sẽ giảm. Ngành hóa chất chịu ảnh hưởng lớn nhất, do các sản phẩm hóa chất (như dung môi, keo, sơn) được sử dụng rộng rãi trong gia công giày dép, gỗ và nhiều ngành công nghiệp khác.
Mảng nhựa đường: Duy trì thị phần 28-30% dù cạnh tranh gay gắt
Với mảng nhựa đường, Công ty duy trì thị phần bình quân 28-30% trong nhiều năm qua. Riêng quý 1/2025, thị phần đạt 29,5%.
Lợi thế cạnh tranh sản phẩm nhựa đường của PLC là uy tín 20 năm, năng lực cung ứng và hệ thống sản phẩm đa dạng. Công ty sở hữu hệ thống bồn bể kho chứa và nhà máy sản xuất trải dài trên toàn quốc, trung bình cứ 300km có một nhà máy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp hàng thi công. Danh mục sản phẩm đa dạng, từ các sản phẩm cao cấp phục vụ nhà máy, sân bay đến các sản phẩm thông thường.
Tuy nhiên, trên thị trường kinh doanh nhựa đường hiện tại, chỉ có PLC là doanh nghiệp có vốn nhà nước. Trong khi các đối thủ doanh nghiệp tư nhân có sự linh hoạt cao hơn trong việc gia hạn công nợ cho khách hàng thì PLC phải quản trị chặt chẽ chính sách này, ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà cung cấp và nhà bán hàng.
Sản lượng nhựa đường của PLC năm 2024 đạt 230.000 tấn, tương đương 87% so với năm 2023. Doanh thu năm 2024 đạt 3.100 tỷ đồng, bằng 81% năm trước.
Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu do nhu cầu thị trường giảm, cạnh tranh gay gắt và sự gia tăng lượng nhựa đường nhập khẩu từ Trung Đông (bị thay đổi xuất xứ) vào Việt Nam, khiến mặt bằng giá trung bình giảm 10% so với năm 2023. Tỷ lệ lãi gộp năm 2024 chỉ còn 8,54%, bằng 76% so với 2023, về giá trị là giảm 170 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận năm 2024 giảm mạnh.
Những khó khăn này vẫn tiếp diễn trong quý 1/2025, khiến cho sản lượng nhựa đường đạt 25% kế hoạch và lợi nhuận khoảng 11 tỷ đồng. Dự kiến trong quý 2, sản lượng nhựa đường đạt khoảng 25.000 tấn, tương ứng doanh thu 300 tỷ đồng.
Năm 2025, giải pháp của công ty nhựa đường là tập trung tối đa nguồn lực cho khối kinh doanh, điều chỉnh chính sách khuyến khích kinh doanh, bám sát thị trường và các khách hàng dự án, điều hành hàng tồn kho hiệu quả và đa dạng hóa nguồn cung ứng.

Dầu mỡ nhờn: Lợi nhuận quý 1/2025 đạt 27,9 tỷ đồng
Mạng lưới hơn 7.000 cây xăng của Tập đoàn mẹ Petrolimex là nền tảng quan trọng trong kênh bán hàng của PLC bên cạnh kênh bán hàng bên ngoài như doanh nghiệp hàng hải, tàu biển.
Sản lượng bán hàng qua hê thống của Petrolimex đang chiếm tỷ trọng lớn, với 72% trong năm 2024, trong khi kênh bán hàng bên ngoài chỉ chiếm 28%.
Theo yêu cầu từ Tập đoàn, PLC cần tăng tỷ trọng bán hàng bên ngoài lên 30%. Tuy nhiên, lãnh đạo PLC tính toán, doanh số bán hàng của kênh bên ngoài cần tăng trưởng 18-20% mới tương đương với việc doanh số từ hệ thống của Petrolimex tăng thêm 1%.
Trong quý 1/2025, mặc dù bán hàng qua hệ thống Petrolimex tăng trưởng 9% còn một số lĩnh vực qua hệ thống bên ngoài đạt mức tăng trưởng 20-25%, nhưng tỷ trọng bán hàng trong hệ thống vẫn ở mức cao (75%). Do đó, mục tiêu 30% cho kênh bán hàng bên ngoài là một nỗ lực đáng kể.
Sản lượng dầu mỡ nhờn tiêu thụ trong quý 1/2025 của PLC đạt 26% kế hoạch, lợi nhuận đạt 27,9 tỷ.
Mảng hóa chất: LNTT quý 1 đạt 850 triệu đồng
Năm 2024, mảng hóa chất đạt doanh thu gần 2.000 tỷ nhưng lỗ 46 tỷ. Nhu cầu sụt giảm là một lý do, nhưng yếu tố tác động lớn nhất là giá thị trường liên tục đi xuống, biên lãi gộp mỏng khiến cho lãi gộp không đủ bù chi phí.
Kế hoạch 2025 của mảng hóa chất là 2.200 tỷ doanh thu và 2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Riêng trong quý 1, lợi nhuận trước thuế mảng này đạt 850 triệu nhờ tình hình ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chính sách thuế quan mới đây, giá dầu thô tụt mạnh, khiến giá dung môi hóa chất giảm mạnh. Công ty đang rà soát và đưa ra biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng trong quý 2.
Giám đốc công ty hóa chất của PLC cũng cho biết, công ty đang có 3 kho tại Nhà Bè (tp.HCM), Đình Vũ (Hải Phòng), Thượng Lý (Hải Phòng). Công suất chứa đáp ứng đủ nhu cầu kinh doanh và một phần dành cho thuê bồn chứa, nên không có kế hoạch đầu tư mở rộng.
Chia sẻ với PLC về khó khăn, nhất là khi hoạt động kinh doanh của Công ty phụ thuộc chặt chẽ vào đầu tư công, hạ tầng, công nghiệp chế biến chế tạo và nhu cầu tiêu dùng xăng dầu toàn thị trường, nhưng ông Trần Tuấn Linh – thành viên HĐQT đại diện phần vốn của Petrolimex phát biểu: “Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng kết quả kinh doanh của PLC trong vòng 3 năm qua có chiều hướng đi xuống, lợi nhuận giảm mạnh và chưa đạt được kỳ vọng của các cổ đông đặt ra”.

Ông Trần Tuấn Linh - Ủy viên HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)
Theo ông Linh, trong vòng 2 thập kỷ qua, tình hình kinh doanh năm 2024 có thể nói là vùng trũng nhất, với các chỉ số ở mức thấp chưa từng có. Kể cả giai đoạn 2005-2006, là giai đoạn duy nhất lợi nhuận của PLC dưới 40 tỷ, nhưng trên vốn điều lệ khiêm tốn 150 tỷ, vốn CSH khoảng 170-210 tỷ, thì ROE vẫn đạt gần 20%. Trong khi năm 2024, ROE của Công ty chỉ đạt 3,37% - mức thấp nhất trong lịch sử hoạt động của PLC kể từ khi thành lập đến nay.
Tuy nhiên trong quá khứ, năm 2015 Công ty đã từng đạt mức lợi nhuận trước thuế kỷ lục là 423 tỷ đồng, một cột mốc cho thấy tiềm lực và năng lực bứt phá của PLC khi hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi.
Ông Trần Tuấn Linh nhấn mạnh, PLC là doanh nghiệp hàng đầu thị trường nhựa đường với thị phần khoảng 30%, là doanh nghiệp nhựa đường duy nhất có cơ cấu sản phẩm nhựa đường đa dạng, chất lượng cao đáp ứng đủ hết các nhu cầu về đầu tư các công trình, hạ tầng, đường sá. Đây sẽ là lĩnh vực được hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư hạ tầng. Mảng dầu mỡ nhờn cũng có tiềm năng khi nhu cầu tiêu thụ đang phục hồi theo đà sản xuất công nghiệp. Lĩnh vực hoá chất – tuy có nhiều cạnh tranh, khó khăn nhưng kết quả quý 1 năm 2025 cũng có những tín hiệu khả quan khi đã có lợi nhuận.
“Chính vì vậy, tôi cho rằng Ban lãnh đạo PLC đặt ra mục tiêu năm 2025 thể hiện một tinh thần quyết tâm, nỗ lực phục hồi và lấy lại niềm tin từ cổ đông và kế hoạch này hoàn toàn có cơ sở thực tế khi kết quả kinh doanh quý 1 năm 2025 bước đầu cho thấy những tín hiệu hết sức khả quan, bám sát theo định hướng kế hoạch năm 2025. Lợi nhuận đạt khoảng 27% kế hoạch năm 2025. Và những kết quả kinh doanh năm 2024, chúng tôi cũng mong rằng đã là điểm đáy mà PLC chạm đến, để từ đó, mở ra chu kỳ tăng trưởng mới, bền vững hơn, quyết liệt hơn bắt đầu từ năm 2025” – Ông Linh kết luận.
Nhịp sống thị trường
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>Xem tất cả >>CÙNG CHUYÊN MỤC
